Multimedia Đọc Báo in

Cư Ni phát huy vai trò của cán bộ thôn, buôn

09:41, 25/09/2018

Nhờ phát huy được vai trò của mình, đội ngũ cán bộ thôn, buôn ở xã Cư Ni (huyện Ea Kar) đã trở thành “cầu nối” giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, góp phần vào sự phát triển trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

Đến thôn 1B, xã Cư Ni, ấn tượng đầu tiên là 100% các tuyến đường nơi đây đã được đổ bê tông sạch đẹp kèm theo hệ thống điện chiếu sáng. Để có được thành quả này, ngoài tinh thần tự giác của người dân còn có sự đóng góp công sức không nhỏ của Trưởng thôn Nguyễn Bá Chuyên với tài “dân vận khéo”. Với phong thái nhanh nhẹn, cách nói chuyện gần gũi, chân chất, luôn đi đầu trong mọi hoạt động phong trào của địa phương, nhiều năm qua ông Chuyên được đông đảo người dân tin yêu.

Điển hình như trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), sau khi có chủ trương của UBND xã Cư Ni về việc kêu gọi sức dân làm đường giao thông nông thôn, ông Chuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng, thế là ai cũng đồng lòng hưởng ứng.

Ông Nguyễn Bá Chuyên, Trưởng thôn 1B, xã Cư Ni (bên phải) trên con đường mới được bê tông hóa khang trang.
Ông Nguyễn Bá Chuyên, Trưởng thôn 1B, xã Cư Ni (bên phải) trên con đường mới được bê tông hóa khang trang.

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động nhân dân, ông Chuyên cho biết, trước khi triển khai làm đường, thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp từ chi bộ, các đoàn thể đến họp toàn thôn nhằm tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Những cá nhân còn có thắc mắc, ông Chuyên đến tận nhà để tuyên truyền, giải thích, một lần không hiểu thì tới hai lần, ba lần. Ngoài ra, tất cả các hoạt động, đóng góp đều công khai để người dân trong thôn biết, bàn và kiểm tra nên nhân dân rất tin tưởng. Sau khi làm đường, ông Chuyên còn vận động mỗi hộ dân tự mắc bóng điện chiếu sáng trước cổng nhà để tiện việc đi lại, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông vào ban đêm…

 
“Chỉ trong tháng 8-2018, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp được 704 triệu đồng, hiến 500 m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động để đổ bê tông toàn bộ 928 m đường nội thôn”. 
 
Ông Nguyễn Bá Chuyên, Trưởng thôn 1B, xã Cư Ni

Nhiều năm nay, anh Nguyễn Thành Lợi, Bí thư chi đoàn, công an viên thôn 10 (xã Cư Ni) được biết đến không chỉ là thủ lĩnh năng động, luôn tiên phong trong mọi phong trào Đoàn mà còn là gương điển hình trong hoạt động lập thân lập nghiệp tại địa phương. Nhận thấy nhu cầu về sửa chữa điện dân dụng, điện máy nông nghiệp của người dân trong vùng tăng cao, vận dụng kiến thức đã học tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), chuyên ngành Điện công nghiệp, năm 2015, Lợi mở cửa tiệm sửa chữa điện cơ công nghiệp tại địa phương. Mỗi năm, Lợi còn nhận hướng dẫn cách sửa chữa điện dân dụng, điện máy cho từ 5-10 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong xã có nhu cầu. Không chỉ vậy, anh còn nhiệt tình đến nhà người dân trong xã để sửa, lắp điện dân dụng miễn phí cho bà con.

Với vai trò Bí thư chi đoàn, công an viên của thôn, Lợi luôn là người tiên phong đi đầu hưởng ứng tham gia mọi phong trào, hoạt động Đoàn và của địa phương. Lợi cho hay, qua các hoạt động này, anh đã kết hợp tuyên truyền sâu rộng trong ĐVTN những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các kế hoạch, nhiệm vụ của địa phương... giúp họ hòa đồng, đoàn kết, tránh xa thói hư tật xấu như uống rượu bia, tụ tập đua xe, cờ bạc, hay gây gỗ đánh nhau… Nhờ đó, nhiều năm nay, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông ở thôn luôn giữ ổn định.

Anh Nguyễn Thành Lợi, Bí thư chi đoàn thôn 10, xã Cư Ni (bên trái) cùng đoàn viên của thôn.
Anh Nguyễn Thành Lợi, Bí thư chi đoàn thôn 10, xã Cư Ni (bên trái) cùng đoàn viên của thôn.

Theo đánh giá của ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Ni, việc triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ địa phương đến đông đảo quần chúng nhân dân trong xã không thể không nhắc đến vai trò “cầu nối” của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở các thôn, buôn. Những năm qua, lực lượng này đã từng bước được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế và chính trị ở địa phương. Đặc biệt là tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng giao thông trên địa bàn, huy động nhân dân đóng góp ngày công, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, công trình nhà văn hóa cộng đồng...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.