Multimedia Đọc Báo in

Nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên

08:29, 25/09/2018

Nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương, Chi bộ buôn Đôn, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã phát huy tinh thần đoàn kết, tiên phong gương mẫu của đảng viên trong việc tuyên truyền nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Buôn Đôn hiện có 145 hộ với 499 nhân khẩu; chi bộ có 14 đảng viên. Đồng chí H’Đa Nê Byă, Bí thư Chi bộ cho biết, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hằng năm, chi bộ đều ban hành các nghị quyết và phân công đảng viên thường xuyên vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi đất bạc màu sang trồng các loại cây trồng mới thích hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương… Bên cạnh đó, phát huy lợi thế nằm gần Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, chi bộ cũng khuyến khích người dân phát triển thương mại, dịch vụ và một số ngành nghề khác để nâng cao thu nhập.

Phó Bí thư Chi bộ buôn Đôn Y Mung Kđoh luôn tiên phong trong phát triển kinh tế.
Phó Bí thư Chi bộ buôn Đôn Y Mung Kđoh luôn tiên phong trong phát triển kinh tế.
 

Mặc dù bận rộn với công việc sản xuất, phát triển kinh tế gia đình  nhưng các đảng viên trong chi bộ luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương để làm gương cho quần chúng noi theo.”

 
Đồng chí H’Đa Nê Byă, Bí thư Chi bộ buôn Đôn

Nhờ được tuyên truyền vận động, người dân trong buôn đã dần thay đổi nhận thức, biết bảo ban nhau làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Chỉ riêng năm 2017, tổng giá trị sản xuất của buôn đạt 5,23 tỷ đồng, số hộ nghèo giảm từ 130 hộ (năm 2014) xuống còn 73. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Vừa qua, nhiều gia đình đã chú trọng đầu tư phát triển kinh tế. Có thể kể đến các mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng mỗi năm ở buôn như: Mô hình trồng cam quýt của ông Lê Hải Thăng; mô hình trồng bắp, sắn của ông Y Hô Byă; mô hình trồng điều của ông Buôn Pheng Lào…

Không chỉ khơi dậy phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, Chi bộ buôn Đôn còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa. Buôn cũng duy trì phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như: dạy đánh cồng chiêng, múa xoang và các nghi lễ cúng bến nước, mừng lúa mới… Trong việc ma chay, cưới hỏi, các đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Nhờ đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” ở buôn đã tạo được sự đồng thuận, thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua bình xét, tỷ lệ gia đình văn hóa của buôn đạt gần 80%. Bà H’Bep Niê, một người dân trong buôn chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần nhà có đám cưới hay tang ma, gia đình tôi phải vay mượn khắp nơi hoặc ký nợ ở các đại lý thu mua nông sản để tổ chức, tốn kém lắm. Nhưng từ khi có cán bộ, đảng viên trong buôn đến nhà tuyên truyền vận động, gia đình tôi đã hiểu và không còn thực hành các hủ tục lạc hậu nữa”.

Đường giao thông buôn Đôn được nhựa hóa khang trang, sạch đẹp.
Đường giao thông buôn Đôn được nhựa hóa khang trang, sạch đẹp.

Theo đồng chí H’Đa Nê Byă, có được những kết quả ban đầu ấy là nhờ chi bộ luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên, đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng. Mọi công việc của chi bộ đều được đưa ra bàn bạc công khai, lấy ý kiến đóng góp của các đảng viên. Từ đó, người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng chung sức, chung lòng xây dựng buôn làng ngày càng phát triển. Chi bộ buôn Đôn được công nhận “trong sạch vững mạnh” 5 năm liền. Kết quả phân tích chất lượng đảng viên hằng năm, 80% đảng viên trong chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng viên yếu kém, vi phạm bị kỷ luật.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.