Phát huy vai trò của các cấp Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững
Đắk Lắk là tỉnh có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong phát triển kinh tế, tập trung vào trồng cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc lớn; trong đó vai trò người nông dân - những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất có vai trò quan trọng.
Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành phối hợp cùng các cấp Hội Nông dân của tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ giúp nông dân, qua đó sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển khá toàn diện.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2009 (theo giá so sánh năm 2010) là 26.175 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản là 29.705 tỷ đồng; đến năm 2012 đạt 29.859 tỷ đồng, năm 2013 đạt 32.078 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2009 - 2013 tăng 1,94%/năm; giai đoạn 2015 - 2017 (theo giá so sánh 2010) bình quân tăng 3,46%/năm. Trong nông nghiệp, cơ cấu ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, tuy nhiên trồng trọt vẫn luôn chiếm tỷ trọng cao, đến năm 2017 chiếm khoảng 73,88%; chăn nuôi chiếm khoảng 20,15%; dịch vụ chỉ chiếm khoảng 5,95%.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn. Ảnh: H. Gia |
Trong trồng trọt, việc xen canh, đa canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng xen canh bơ, sầu riêng trong vườn cà phê... Các loại giống mới, giống lai cho năng suất, giá trị kinh tế cao đã được nông dân đưa vào sản xuất ngày càng nhiều. Diện tích gieo trồng toàn tỉnh tính đến hết năm 2017 đạt 629.213 ha, trong đó diện tích cây hằng năm 324.221 ha, cây lâu năm 304.992 ha; bình quân hằng năm diện tích gieo trồng tăng 8.665 ha so với năm 2008. Chăn nuôi, thủy sản duy trì và phát triển mạnh cả về số lượng và giá trị, trong đó chăn nuôi theo quy mô trang trại gia tăng.
Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2017 khá ổn định. Mặc dù, thời gian qua liên tục xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi, song chăn nuôi vẫn duy trì được sự phát triển, giá trị sản xuất của ngành không ngừng tăng, năm 2008 là 4.631 tỷ đồng, năm 2010 là 5.220 tỷ đồng, năm 2012 là 7.806 tỷ đồng, năm 2016 đạt 11.244 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2008-2017 tăng khoảng 10,36%/năm.
Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng còn thấp, song những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản đang được quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và đã mang lại kết quả trên nhiều mặt. Giá trị sản xuất năm 2011 là 415,4 tỷ đồng đến năm 2017 đạt 531 tỷ đồng; bình quân hằng năm giá trị sản xuất của ngành thủy sản tăng 6,19%. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa, nông dân ngày càng quan tâm, đầu tư phát triển lâm nghiệp.
Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã có những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su... góp phần quan trọng trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới và khu vực. Những thành quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh đã đóng góp rất lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vườn sầu riêng của anh Phan Gia Phương ở xã Tam Giang (huyện Krông Năng). Ảnh: M.Thuận |
Nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân của tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân khiến người nông dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Đời sống của đại bộ phận nông dân các dân tộc trong tỉnh đang ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm còn 7,5%; số hộ nghèo giảm còn 15,33%; hơn 97,5% số thôn, buôn có điện với gần 98% hộ dân được dùng điện; 94% buôn làng có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89,7%… Có thể nói bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, vai trò của mỗi người nông dân đều rất quan trọng và tác động đến tình hình chung của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của Hội Nông dân tỉnh, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn không ít những khuyết điểm, hạn chế cần phải tập trung khắc phục. Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 16-2-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 16-2-2017 về “Tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023”; qua đó, đánh giá thẳng thắn về những mặt hạn chế như: công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Đắk Lắk phát triển chưa đồng đều; hoạt động Hội ở một số nơi chưa thực sự đổi mới, hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; đời sống của hội viên, nông dân một số nơi còn gặp nhiều khó khăn; tình hình nông thôn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định xã hội. Một bộ phận nông dân không hướng đến sản xuất bền vững; một số hộ, nhất là các hộ nông dân người dân tộc thiểu số còn mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà không chủ động sáng tạo trong sản xuất; việc cung ứng hàng nông sản lệ thuộc rất nhiều trước những biến động của thị trường nông sản…
Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân tỉnh trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, các cấp Hội cần chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng mạnh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp. Bám sát và cụ thể hóa đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tham gia tích cực, triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thôn, buôn, xã văn hóa, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.
Mô hình trồng rau an toàn ở xã Ea Ral, huyện Ea H'leo. Ảnh: H. Gia |
Các cấp Hội Nông dân tỉnh phải sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, cán bộ, hội viên để có thể tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”; phối hợp với các ngành, các cơ quan khoa học, các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý cho nông dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường ở nông thôn; chủ động tạo vốn và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn, bức xúc đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã có những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su... Nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân của tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân. Đời sống của đại bộ phận nông dân các dân tộc trong tỉnh đang ngày càng được cải thiện. |
Phạm Minh Tấn
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc