Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của người uy tín ở huyện Krông Ana

08:29, 27/09/2018

Thời gian qua, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Krông Ana đã gương mẫu đi đầu vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, tích cực lao động, sản xuất góp phần thay  đổi diện mạo của buôn làng.

“Cầu nối” ý Đảng -  lòng dân

Là người có uy tín ở buôn Drai (xã Ea Na), ông Y Gai Knul (SN 1956) luôn là người đi đầu trong các phong trào, hoạt động của buôn, là “cầu nối” đắc lực giữa chính quyền và người dân.

Năm 2004, ông Y Gai được bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn. Những năm đó, tại buôn Drai có nhiều trường hợp sinh con thứ ba, kết hôn cận huyết thống, tảo hôn…, ông đã cùng các thành viên Ban tự quản buôn thường xuyên đến tận nhà tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu, nhờ đó tình trạng này dường như không còn. Với những đóng góp tích cực cho buôn làng, ông Y Gai được bà con tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Tổ trưởng tổ hòa giải, người uy tín của buôn Drai.

Ông Y Gai Knul (buôn Drai, xã Ea Na) thường xuyên đến nhà người dân trong buôn để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ ba.
Ông Y Gai Knul (buôn Drai, xã Ea Na) thường xuyên đến nhà người dân trong buôn để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ ba.

Hằng ngày, sau khi đi làm rẫy về ông Y Gai  đều ghé thăm các gia đình trong buôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tuyên truyền đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đơn cử như việc người dân nhiều lần phản ánh hệ thống điện lưới tại buôn nhiều nơi xuống cấp, số dây đấu nối quá nhiều tại một trụ điện gây mất an toàn. Ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân, trong các cuộc tiếp xúc cử tri ông Y Gai đã đề đạt ý kiến này lên cấp trên và ngay sau đó đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư nâng cấp lại hệ thống điện.

Ông Y Gai còn là một hòa giải viên được người dân trong buôn tin tưởng nhờ phân xử mỗi khi có mâu thuẫn dù nhỏ hay lớn. Gần đây, trong một đám cưới ở buôn, sau khi uống rượu anh Y Tiêl H’đớk đã đánh Y Phắk Ađrơng bị thương. Biết thông tin, ông Y Gai đã đến gặp gỡ hai thanh niên này, yêu cầu viết tường trình, rồi ông phân tích, trao đổi để tìm cách giải quyết hợp tình hợp lý. Qua phân tích đúng sai của ông, anh Y Tiêl H’đớk đồng ý bồi thường thuốc men trong quá trình điều trị cho anh Y Phắk và hứa từ nay không được nhắc lại mâu thuẫn vừa qua, không được tái phạm nữa, sống hòa thuận, vui vẻ đùm bọc nhau nếu không bị xử phạt theo luật tục của buôn làng.

Trụ cột của buôn làng

Chị H’Yer Knul (ở buôn Dhăm, xã Ea Bông) dù mới 37 tuổi nhưng đã là người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Năm 2008, chị H’Yer tham gia Đội công tác 253 của xã, phụ trách  công tác dân vận, phát động quần chúng tại địa phương. Năm 2013, chị  được bầu làm Phó buôn Dhăm, trên cương vị mới chị chủ động tham mưu cho trưởng buôn, bí thư chi bộ buôn giúp hộ khó khăn, hộ nghèo vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế… Nhờ đó 140/150 hộ trong buôn được vay vốn từ các chương trình với mức vay từ 10 - 30 triệu đồng trong vòng 4 năm và đã đạt được hiệu quả bước đầu. Đơn cử như gia đình chị H’Yen Knul trước đây là hộ nghèo, năm 2015 được vay 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng mới 5 sào cà phê trên vùng đất đồi. Sau 3 năm chăm sóc, vườn cà phê đã cho thu hoạch, kinh tế khá lên, gia đình chị từ hộ nghèo thành hộ cận nghèo.

Chị H’Yer Knul, ở buôn Dhăm, xã Ea Bông (bìa phải) đến thăm một gia đình trong buôn vừa được hỗ trợ xây dựng nhà 167.
Chị H’Yer Knul, ở buôn Dhăm, xã Ea Bông (bìa phải) đến thăm một gia đình trong buôn vừa được hỗ trợ xây dựng nhà 167.

 

Huyện Krông Ana có 28 người được bình chọn, xét công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững bình yên buôn làng.

Sau 3 năm làm Phó buôn, chị H’Yer được bầu làm Trưởng buôn kiêm Bí thư chi bộ. Cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò, áp lực công việc khá lớn nhưng với kinh nghiệm 10 năm làm công tác dân vận tại Đội công tác 253, chị H’Yer luôn hăng hái, nhiệt tình, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới...  Chị H’Yer xác định, để người dân tin tưởng làm theo, bản thân mình phải gương mẫu trong việc đóng góp tiền, ngày công để thực hiện. Lúc đó, tại buôn có 3 tuyến đường nhánh dài gần 1 km, nắng bụi mưa lầy khiến người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, chị H’Yer đã cùng ban tự quản buôn tổ chức họp dân, vận động mỗi hộ đóng góp 50 nghìn đồng cùng ngày công, xe công nông chở đất, đá dăm, gạch vụn… làm đường để việc đi lại dễ dàng hơn.

Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng bằng uy tín, kinh nghiệm, nói đi đôi với làm chị H’Yer đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội tại buôn Dhăm.  Năm 2017 chị  vinh dự được người dân bầu làm người có uy tín của buôn và trở thành người uy tín tiêu biểu trẻ nhất của huyện Krông Ana.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.