Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Krông Pắc học và làm theo lời Bác

08:29, 25/09/2018

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pắc đã triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cùng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình vườn – ao – chuồng đã giúp gia đình mình thoát nghèo, chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn 6, xã Ea Kly kể: “Cách đây 2 năm gia đình tôi còn là hộ nghèo của thôn. Đất sản xuất ít, lại không có vốn đầu tư nên thu nhập bấp bênh lắm. Nhờ Chi hội Phụ nữ thôn 6 và Hội LHPN xã cho vay 15 triệu đồng không tính lãi suất và nhận ủy thác để tôi vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nên gia đình tôi mới có vốn để phát triển sản xuất…”. Từ nguồn vốn trên, chị Nhung đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò, heo, múc hồ thả cá, trồng cà phê xen điều và trồng cỏ nuôi bò, cá. “Cây này hỗ trợ con kia”, nhờ vậy mà gia đình chị có thu nhập ổn định và năm 2018 đã thoát được hộ nghèo.

Mô hình con đường hoa của Hội LHPN xã Hòa Đông.
Mô hình con đường hoa của Hội LHPN xã Hòa Đông.
Từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN huyện Krông Pắc đã vận động xây dựng 5 nhà Mái ấm tình thương trị giá trên 400 triệu đồng; hỗ trợ 12 con bò trị giá 150 triệu đồng; duy trì 838 tổ, nhóm tiết kiệm; thực hiện tiết kiệm 5 nghìn đồng/tháng/hội viên được 13,9 tỷ đồng để giúp cho 15.472 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế…

Trường hợp của chị Nhung chỉ là một trong nhiều chị em phụ nữ được Hội LHPN xã động viên, hỗ trợ phát triển sản xuất. Chị Đinh Thị Quyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kly cho hay, Hội LHPN xã có 32 chi hội với 3.000 hội viên phụ nữ. Thu nhập chính của hội viên chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên chị em rất cần vốn đầu tư sản xuất. Triển khai việc học tập và làm theo gương Bác, Hội LHPN xã đã thực hiện các mô hình tiết kiệm giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2016 đến nay, các chi hội đã tiết kiệm được hơn 1,6 tỷ đồng từ các mô hình như “Nuôi heo đất”, “Tín dụng tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”… để giúp cho 347 lượt chị em vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, có 27/32 chi hội vận động chị em hội viên đóng góp quỹ hội với số tiền 687 triệu đồng để giúp cho 252 chị em hội viên vay.

Mô hình cà phê xen sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên phụ nữ xã Hòa Đông.
Mô hình cà phê xen sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên phụ nữ xã Hòa Đông.

Không chỉ thực hành tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế, hội viên phụ nữ huyện Krông Pắc còn tích cực đồng hành trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu có thể kể đến Hội LHPN xã Hòa Đông. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chị em triển khai các mô hình tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế…, Hội LHPN xã đã góp phần không nhỏ cho lộ trình về đích nông thôn mới của xã Hòa Đông vào năm 2015 và giữ vững được các tiêu chí trong những năm qua. Chị Đặng Thị Huê, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Đông cho biết, Hội đang triển khai mô hình con đường phụ nữ tự quản và đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hiện nay đã có 18/19 chi hội đăng ký 42 con đường phụ nữ tự quản, hầu hết các con đường đều được trồng hoa và cây xanh 2 bên, luôn bảo đảm xanh, sạch, đẹp; mô hình đường làng, ngõ xóm không có rác được duy trì.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pắc, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai đến 16 cơ sở Hội, tập trung đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hằng tháng, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội; đẩy mạnh việc biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức của Bác dưới nhiều hình thức như lồng ghép trong các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi hội...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.