Ea Phê phát huy vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra mục tiêu xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối nhiệm kỳ.
Đến nay, xã đã hoàn thành được 18/19 tiêu chí và phấn đấu về đích trong năm 2018, sớm 2 năm so với lộ trình đề ra. Có được kết quả trên, trước hết nhờ cách làm hay của xã Ea Phê là phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu…
Xã Ea Phê có 32 thôn, buôn thì đến 50% thôn, buôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ea Phê gặp không ít trở ngại do đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn nhiều… Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Phê Võ Hữu Chút thì cái khó nhất khiến cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương lo lắng là nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về NTM chưa thật sự đúng đắn. Thậm chí, còn có những suy nghĩ sai lệch coi NTM không phải việc của dân mà là dự án của Nhà nước nên có tâm lý trông chờ, ỉ lại...
Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định phương pháp, cách làm là lồng ghép tuyên truyền việc xây dựng NTM mọi lúc mọi nơi nhằm thay đổi nhận thức, song song với thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho nhân dân. Cùng với đó, xã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc nhiệt huyết, hiệu quả; chọn một số thôn thực hiện mẫu nhằm tạo sự tác động, lan tỏa trên diện rộng…
Bộ mặt nông thôn xã Ea Phê ngày càng khởi sắc. |
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, những người đứng đầu ở các thôn, buôn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Câu chuyện ở thôn Phước Lộc 3 là một ví dụ. Đặc điểm của thôn là có hệ thống giao thông nhiều ngõ hẻm, đường hẹp đòi hỏi phải giải tỏa nhiều. Ông Nguyễn Hoàng, Bí thư Chi bộ thôn Phước Lộc 3 kể lại: “Khi tôi đi vận động nhân dân trong thôn lùi đất, dỡ bỏ tường rào để làm đường thì phần lớn được mọi người ủng hộ nhưng cũng có một số hộ nhất quyết không chịu. Tôi phải trực tiếp đến nhà từng hộ dân để thuyết phục. Đi một lần không xong thì đi nhiều lần, phân tích cụ thể các hộ mới đồng tình. Cùng với đó, Ban tự quản thôn cũng linh hoạt vận động những gia đình khá giả ủng hộ thêm tiền để gia đình còn khó khăn giảm đi mức đóng góp…”. Sau nhiều nỗ lực, việc triển khai làm đường giao thông ở thôn Phước Lộc 3 được người dân hưởng ứng cao. Năm 2016, thôn chỉ đăng ký 600 m đường ngõ, xóm nhưng làm vượt chỉ tiêu là 1.200 m; năm 2018 làm được 1.255 m, có những đoạn đường không đăng ký nhưng người dân cũng nhiệt tình tham gia. Đến nay, Phước Lộc 3 đã hoàn thành gần 3 km đường ngõ, xóm đạt hơn 90% chỉ tiêu.
“Quan trọng nhất là người đứng đầu phải thể hiện được tinh thần trách nhiệm, gương mẫu để tạo được sự toàn kết, niềm tin với nhân dân. Lòng dân thuận thì chắc chắn xây dựng NTM sẽ thành công”.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Phê Võ Hữu Chút
|
Đến nay, xã Ea Phê đã hoàn thành 18 tiêu chí NTM, chỉ còn tiêu chí số 2 (giao thông) khó nhất đang được chính quyền và nhân dân xã gấp rút hoàn thành. Do xã có địa bàn rộng, hệ thống đường giao thông nông thôn nhiều, đa số các nền đường không bảo đảm theo quy chuẩn nên khó khăn trong việc giải tỏa, tôn tạo nền đường. Đồng chí Võ Hữu Chút cho biết, với quyết tâm về đích NTM trong năm 2018, lãnh đạo xã đã bàn bạc và thống nhất lộ trình hoàn thành tiêu chí này thành 3 giai đoạn. Đầu tiên là giải tỏa, sau đó lên khuôn đường, cứng hóa nền đường, xử lý hệ thống thoát nước và cuối cùng là bê tông mặt đường. Với cách làm như vậy, khối lượng công việc nặng sẽ được giảm bớt, người dân không phải đóng góp một lần mà chia ra thành nhiều đợt. Bên cạnh đó, người dân cũng tự nguyện tham gia các công đoạn nên tiết kiệm chi phí tối đa. Với cách làm này, đến nay xã đã bê tông được 22.230 m đường ngõ xóm, hiện đang khẩn trương làm trục đường thôn và nội đồng để sớm hoàn thành tiêu chí số 2.
Đường ngõ, xóm của thôn Phước Lộc 3 đều được bê tông hóa. |
Trong phát triển kinh tế, đảng ủy, chính quyền xã cũng đã phát huy vai trò của người đứng đầu để từng bước thay đổi tư duy cho người nông dân bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm mang đến tính bền vững. Theo đó, xã đã xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa như Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp 1, Hợp tác xã Tường Minh... Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,9 triệu đồng/năm. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc