Multimedia Đọc Báo in

Huyện ủy M'Đrắk thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát

11:24, 12/10/2018

Đảng bộ huyện M'Đrắk hiện có 41 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng (gồm 21 đảng bộ và 20 chi bộ trực thuộc) với tổng số 3.096 đảng viên.

Xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020), Huyện ủy M'Đrắk đã ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy; kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy thành các quy định, chương trình, kế hoạch nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các TCCS đảng và đảng viên, hằng năm UBKT Huyện ủy M'Đrắk đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát từng tháng, từng quý và cả năm; bảo đảm đúng quy trình, quy định.

Đồng chí Vũ Hồng Thao, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy M'Đrắk cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra 244 chi, đảng bộ cơ sở và 2.583 đảng viên, trong đó Huyện ủy kiểm tra 11 tổ chức và 16 đảng viên; cơ quan giúp việc Huyện ủy kiểm tra 26 tổ chức; cấp ủy cơ sở kiểm tra 207 tổ chức và 2.567 đảng viên; giám sát 131 tổ chức và 1.154 đảng viên. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 1 tổ chức đảng; kỷ luật 52 cá nhân bằng các hình thức, trong đó khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 8 trường hợp, cách chức 3 trường hợp và khai trừ 2 trường hợp; trong đó có 16 trường hợp là cấp ủy viên các cấp”.

Xã viên Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ điện - nước M’Đrắk sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng.
Xã viên Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ điện - nước M’Đrắk sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng.

Qua kiểm tra, giám sát, đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những vi phạm tại các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; kịp thời chỉ rõ cho tổ chức đảng và đảng viên những ưu điểm để phát huy và những hạn chế, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục. Đơn cử như, qua kiểm tra, năm 2016 UBKT Huyện ủy M’Đrắk đã kết luận Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cư Króa vi phạm quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; căn cứ vào khoản 4, Điều 9 của Điều lệ Đảng, Huyện ủy M’Đrắk đã quyết định xử lý kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cư Króa bằng hình thức cảnh cáo. Sau đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cư Króa đã chủ động sửa chữa khuyết điểm và xây dựng Đảng bộ đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; năm 2017 Đảng bộ xã Cư Króa được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hay năm 2017 một chi ủy viên của Chi bộ Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ điện - nước huyện M’Đrắk đã vi phạm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, làm mất uy tín của cá nhân đảng viên và tổ chức nơi công tác, bị kỷ luật bằng hình thức “cách chức chi ủy viên”. Sau kiểm tra, Chi bộ Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ điện - nước huyện M’Đrắk đã củng cố và kiện toàn, chủ động khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Đến nay, Chi bộ đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo đơn vị đoàn kết kinh doanh đạt hiệu quả, năm 2017, thu nhập bình quân của xã viên đạt trên 4,6 triệu đồng/tháng.

Có thể nói, việc chú trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Huyện ủy M’Đrắk đã góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiến Ninh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.