Multimedia Đọc Báo in

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh (*)

08:54, 03/10/2018

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, sáng 2-10, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị. Báo Đắk Lắk trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

“Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị lần thứ tám để thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xem xét một số vấn đề về công tác cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu khách mời đã về dự Hội nghị và xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.  Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thưa các đồng chí,

Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Sau đây, tôi xin phát biểu lưu ý thêm một số khía cạnh liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

1.Về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018 - 2019

Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm nay có nhiều nội dung mới, sâu rộng, dài hạn và toàn diện hơn so với hai năm trước. Cùng với Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, trình Trung ương một số báo cáo quan trọng khác về đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ các tài liệu; căn cứ vào thực tế tình hình đất nước và nơi công tác để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2018 và đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018 và cho cả nhiệm kỳ khóa XII, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng ở mức 6,5 - 6,7% năm 2018 và 6,5 - 7% cho 5 năm 2016 - 2020, thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia…

Đồng thời, phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nhất là những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng nhất và các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019 và các năm tiếp theo cũng như cả nhiệm kỳ khóa XII. Cố gắng tìm ra các chính sách, biện pháp đột phá, khả thi, phù hợp với những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình trạng căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nước lớn, những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - tiền tệ và giá dầu thô thế giới.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII khai mạc trọng thể tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII khai mạc trọng thể tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Khắc phục những hạn chế, yếu kém mà các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ ra, như: Việc thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc. Nguồn lực để thực hiện chính sách văn hóa - xã hội còn hạn chế; một số chính sách chậm được ban hành hoặc chưa được tổ chức thực hiện tốt; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền và các tầng lớp nhân dân còn lớn và có xu hướng gia tăng; còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng con người, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp. Các tệ nạn xã hội, ma túy, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, cháy, nổ diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới…

2.Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

Như chúng ta đều biết, đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam; các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới; thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển. Nắm bắt xu thế chung đó của thế giới, khu vực và xuất phát từ yêu cầu của thực tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua, Ban cán sự đảng Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan tích cực tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới; từ đó đề xuất với Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển. Việc trình Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ xuất phát từ thực tế Nghị quyết số 09 giới hạn thời gian đến năm 2020 mà còn do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác như: Tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi đòi hỏi phải có sự bổ sung, phát triển về quan điểm và điều chỉnh về mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Các nội dung về phát triển kinh tế biển có quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với các vấn đề của toàn bộ nền kinh tế đất nước, cần được phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để từ đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội trong việc quản lý, khai thác, bảo tồn, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam.

Việc ban hành Nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong Kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển, phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Đề nghị các đồng chí nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, toàn diện các vấn đề để thống nhất nhận định, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09; phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới. Từ đó, xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Chú ý tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém như: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế biển và ven biển khó đạt được vào năm 2020. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển được xác định ưu tiên đầu tư nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông kết nối còn dàn trải, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Quy hoạch các khu vực ven biển và một số ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập. Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, đảo vẫn lớn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực ngày càng rõ nét. Đầu tư cho điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý nhà nước về biển, đảo còn lúng túng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Phải chăng, nguyên nhân chủ quan là do tổ chức thực hiện Nghị quyết không tốt; đã mắc phải những khuyết điểm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển các khu kinh tế, du lịch, dịch vụ biển và một số ngành kinh tế biển như đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt hải sản xa bờ…

3. Về công tác xây dựng Đảng

Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng sau đây:

Một là, xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Như các đồng chí đều biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.

Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về vấn đề này. Nội dung của bản Quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

Đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị bằng kinh nghiệm của mình và thực tiễn phong phú ở địa phương, cơ quan, đơn vị đang công tác, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, trực tiếp sửa vào dự thảo Quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương và ban hành được Quy định để tổ chức triển khai thực hiện.

Hai là, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Theo thông lệ và kinh nghiệm chuẩn bị các đại hội trước đây, tại Hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến thành lập 5 Tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung (năm 2011) và Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm; Báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và Báo cáo công tác nhân sự. Đề nghị Trung ương xem xét, quyết định việc thành lập các tiểu ban với cơ cấu và nhân sự như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị.

Ba là, Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị của chúng ta diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII. Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và là năm khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Nội dung của Hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh do Đại hội XII đã đề ra và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.

Đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp”.

(*)  Tiêu đề do Báo Đắk Lắk đặt

 

 

 


Ý kiến bạn đọc