Nhớ mãi một nước Nga tươi đẹp, nồng hậu
Cũng như nhiều người từng du học, công tác và làm việc ở Liên bang Xô Viết, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải và bà Trần Thị Thiết (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn thường ôn lại kỷ niệm về những năm tháng sống, học tập, làm việc ở xứ sở bạch dương.
Sau nhiều lần cân nhắc, nhất là vượt qua tâm lý “sức khỏe không cho phép vượt đường bay dài”, ông bà đã trở lại nước Nga tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Trung cấp Nghề số 17 ở thành phố Belgorod - nằm về phía Tây của nước Nga. Đây là ngôi trường ông Hải đã học nghề vận hành thiết bị nâng (còn gọi là lái cẩu) trong hai năm 1985 - 1986. Trước đó, ông Hải theo học tiếng Nga một năm ở tỉnh Lipetsk trước khi đến thành phố Belgorod học nghề.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải đang xem lại những bức ảnh kỷ niệm vừa chụp ở nước Nga. |
Trò chuyện về đất nước, con người Nga khi cảm xúc vẫn còn đầy ắp sau chuyến thăm trường cũ, ông Hải nói với sự biết ơn sâu sắc: “Ba năm học tập ở Nga giúp tôi tự tin trong công việc. Ngoài lĩnh hội kiến thức chuyên ngành, tôi còn học được ở người Nga đức tính đôn hậu, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Trở lại Nga vào cuối mùa Thu, trước vẻ đẹp quyến rũ và lãng mạn đã khơi gợi trong chúng tôi những ký ức của một thời học tập, sinh sống tại đây. Đó là tình cảm của người Nga, đặc biệt là những người phụ nữ lớn tuổi dành cho lưu học sinh, lao động Việt Nam. 32 năm trở lại vẫn không có sự thay đổi, tình cảm của người Nga dành cho công dân Việt Nam niềm nở, tự nhiên như những người trong cùng một gia đình. Thật ấn tượng, ấm lòng khi chúng tôi đến khách sạn, nhà ga, bến tàu, sân bay được nhân viên, hành khách Nga đón tiếp nhiệt tình với ánh mặt, nụ cười thân thiện, trìu mến khi biết chúng tôi là người Việt Nam”. Nhưng lắng đọng trong tim ông Hải là tình cảm sâu đậm của thầy, cô giáo dành cho học trò dù đã hơn 3 thập niên trôi qua. Có những thầy, cô giáo năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng khi nghe các cựu lưu học sinh Việt Nam giới thiệu mình học khóa nào, ngành nghề gì…, lập tức nhớ ra ngay. “Vẫn như hồi chúng tôi học tập, tình cảm của các thầy, cô nồng ấm, đôn hậu. Nhìn những tấm ảnh lưu niệm của mình đã ngã màu ố vàng được treo trong phòng truyền thống của trường. Cổng trường, tường rào, phòng học, khu nội trú, khu thực hành nghề, bếp ăn… vẫn được giữ nguyên như hồi đi học, nhà trường chỉ tu sửa một vài chỗ hư hỏng, xuống cấp, trong lòng mỗi cựu học sinh thấy thân quen, ấm áp ơn thầy - nghĩa bạn”, ông Hải xúc động nói.
“Trong hành trang của vợ chồng tôi luôn ăm ắp kỷ niệm về đất nước, con người Xô Viết để mỗi lần nghĩ về, chúng tôi thầm cảm ơn con người và văn hóa Nga đã cho chúng tôi cảm giác nồng ấm trong những tháng ngày nơi đất lạ”.
Ông Nguyễn Văn Hải
|
Còn với bà Thiết - công nhân Xí nghiệp may Belgorod thì ấn tượng về Liên Xô và những người Xô Viết vẫn vẹn nguyên. “18 tuổi tôi sang Liên Xô lao động. Đặt chân đến đây đúng vào mùa đông, khí hậu rất lạnh, mọi thứ đều bỡ ngỡ, lạ lẫm. Tôi được người Nga chào đón, chăm sóc từ miếng ăn, quần áo, nơi nghỉ ngơi chu đáo. Tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp giống như ở gia đình mình. Nhờ đó, những ngày tiếp theo nơi đất khách quê người tôi không cảm thấy lạc lõng, sớm ổn định về tâm lý yên tâm học tập, làm việc”, bà Thiết bồi hồi nhớ lại.
Thật may mắn trở lại nước Nga lần này, bà Thiết đã được gặp lại một số người bạn Nga đã từng học tiếng, làm việc cùng và vẫn như ngày trước luôn gần gũi, chân thật, đôn hậu. Và càng ngưỡng mộ hơn khi đất nước Nga mỗi ngày một tươi đẹp, hùng vĩ, nhưng vẫn bảo tồn, lưu giữ được những giá trị văn hóa như trước đây. 5 năm sinh sống, học tập ở Liên Xô (từ 1982-1986), được làm việc trong môi trường công nghiệp với tác phong, thái độ, nguyên tắc làm việc nghiêm túc, khoa học, tính tự giác cao đã ngấm vào máu thịt bà Thiết từ lúc nào và đã ảnh hưởng tích cực vào công việc cũng như phương pháp giáo dục con cái của bà Thiết. Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory, là người sáng lập nhiều trường ngoài công lập từ bậc mầm non đến đại học, bà đã và đang “truyền lửa” nhiệt huyết, tinh thần, thái độ làm việc, học tập cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các em học sinh với một khát khao duy nhất - những chủ nhân tương lai của đất nước có ước mơ, hoài bão và những kiến thức nhất định, mong muốn có nhiều thế hệ các em sẽ được tiếp nối tham gia và học tập trên đất nước Nga tươi đẹp và đầy lòng nhân ái.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải (thứ năm từ phải sang) chụp hình lưu niệm cùng các bạn từng học tập, lao động ở Liên Xô trước đây. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tình cảm nồng ấm, sự giúp đỡ ân cần của các thầy, cô giáo, những người dân Xô viết mãi không phai mờ trong tâm trí ông Hải, bà Thiết. Lần trở lại nước Nga, về thăm lại trường cũ chắc chắn không phải là lần duy nhất. Khoảng cách địa lý, khí hậu, tâm lý không thể ngăn cản bước chân họ tìm về nơi đã chắp cánh cho bao ước mơ, hoài bão tuổi trẻ.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc