Multimedia Đọc Báo in

Những hạt nhân trong công tác Mặt trận ở thôn, buôn

09:13, 21/11/2018

Được xem là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động tại địa phương, thời gian qua các cán bộ Mặt trận ở thôn, buôn trên địa bàn huyện Cư Kuin luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, làm tốt vai trò "cầu nối" giữa Đảng với dân...

Ở thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp, ông Hoàng Văn Thịnh, Trưởng Ban công tác Mặt trận được nhiều người biết đến và tôn trọng bởi uy tín và trách nhiệm của ông đối với cộng đồng. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với cương vị là Trưởng Ban công tác Mặt trận, ông Thịnh đã cùng các tổ chức đoàn thể kiên trì tuyên truyền vận động nhân dân chung sức đồng lòng cùng với chính quyền địa phương xây dựng hoàn thành các tiêu chí đề ra. Những năm qua, người dân thôn Kim Phát đã chủ động đóng góp 1.200 ngày công, xây dựng hơn 1 km đường, khơi thông 1,2 km mương thoát nước, xây dựng hệ thống kênh mương nội thôn... Đến nay, thôn Kim Phát chỉ còn 4 hộ nghèo, toàn thôn có 192 hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện để phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 4,6 tỷ đồng. Song song với công tác phát triển kinh tế, ông Thịnh cùng Ban tự quản thôn đã tranh thủ uy tín của chức sắc, chức việc trên địa bàn vận động giáo dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ Mặt trận ở thôn, buôn nhận Giấy khen của UBND huyện Cư Kuin tặng vì đã có thành tích  trong công tác Mặt trận giai đoạn 2013-2018.
Cán bộ Mặt trận ở thôn, buôn nhận Giấy khen của UBND huyện Cư Kuin tặng vì đã có thành tích trong công tác Mặt trận giai đoạn 2013-2018.
 
“Để người dân tin tưởng và làm theo, bản thân mình và gia đình phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phải ý thức thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương. Mình làm gì cũng nghĩ đến quyền lợi chung, vì cộng đồng thì chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ...". 
 
Ông Hoàng Văn Thịnh, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Kim Phát

Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng chị Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 8, xã Ea Tiêu cũng luôn được bà con tín nhiệm bởi sự nhiệt tình, tận tâm với công việc. Công việc nhiều, mức phụ cấp ít ỏi nhưng với suy nghĩ đặt lợi ích của người dân lên trên hết, mọi công tác của thôn khi cần sự phối hợp của cán bộ Mặt trận, chị luôn có mặt không kể nắng mưa. Để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chị Vân cùng các thành viên Ban công tác Mặt trận vận động các gia đình tự nguyện tháo dỡ tường rào, giải phóng mặt bằng, hiến đất để mở rộng đường; kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ tiền xây dựng các công trình phúc lợi... Trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, mọi công việc đều được Ban công tác Mặt trận giám sát chặt chẽ, dân chủ, công khai trước dân với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ vậy, mỗi phong trào, hoạt động khi được phát động trong nhân dân đều được người dân nhiệt tình ủng hộ. Toàn thôn 8 có 190 hộ dân, 800 nhân khẩu, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay đã không có hộ nghèo. Các tuyến đường nội thôn 8 đã được bê tông kiên cố, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Chị Lê Thị Hồng Vân (thứ hai từ phải qua) trao đổi với Ban công tác Mặt trận thôn 8, xã Ea Tiêu về việc đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông.
Chị Lê Thị Hồng Vân (thứ hai từ phải qua) trao đổi với Ban công tác Mặt trận thôn 8, xã Ea Tiêu về việc đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông.

Theo ông Bùi Thế Đông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cư Kuin, thời gian qua, đội ngũ cán bộ Mặt trận các thôn, buôn đã phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu thực hiện tốt các nhiệm vụ tại địa phương, xứng đáng là "cầu nối" giữa Đảng với dân. Để phát huy vai trò của cán bộ Mặt trận cơ sở, thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, trang bị kiến thức, đồng thời tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, gặp mặt đối thoại nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín, cán bộ Mặt trận cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy vai trò tại cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững bình yên ở thôn, buôn...

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.