Multimedia Đọc Báo in

Thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc qua việc bảo tồn những lễ hội truyền thống

07:29, 14/11/2018

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, khăng khít, gần gũi giữa các dân tộc anh em, tạo môi trường ổn định, hòa hợp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Đã trở thành truyền thống, cứ đến dịp Tết Bunpimay của người Việt gốc Lào tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với UBND huyện, xã tổ chức vui Tết cho bà con. Đông đảo bà con các dân tộc cùng về chung vui với hơn 250 người Việt gốc Lào đang sinh sống trên địa bàn xã, nắm tay nhau say sưa theo điệu Lăm vông - điệu múa truyền thống của người Lào, thưởng thức men rượu đặc trưng và món “lạp” do chính tay người Lào làm ra. Trong không khí ấm áp, đầy tình thân ấy, dường như mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng chung sức vun đắp cho ngôi nhà đại đoàn kết.

Được biết, từ thế kỷ thứ 19, qua con đường giao thương, nhiều người Lào đã đến định cư tại xã Krông Na và đến nay đã có trên 250 khẩu. Để tạo sự gắn kết, giúp những người Lào yên tâm gắn bó dài lâu với quê hương mới, nhiều năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị cùng chính quyền địa phương tổ chức Tết Bunpimay cho bà con. Hoạt động này không chỉ giúp gắn kết cộng đồng giữa các dân tộc anh em trên địa bàn xã mà còn giúp họ giữ gìn những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua các nghi thức trong ngày Tết như thả hoa đăng, té nước, cột chỉ cầu may mắn… Theo ông Hoàng Chuyên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Đắk Lắk thì chính sự hiện diện của những người Lào tại xã Krông Na cũng góp phần bổ sung, làm phong phú kho tàng văn hóa vốn rất đặc sắc, phong phú của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Thi môn kéo co tại Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột.
Thi môn kéo co tại Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, Ngày Hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ đã thực sự trở thành sân chơi ý nghĩa, bổ ích, nơi gặp gỡ, giao lưu, gắn chặt tình thân của 47 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn. Hội tụ trong ngày vui, ngoài việc cùng nhau tranh tài qua những trò chơi dân gian sôi nổi, hào hứng, vui tươi, đại diện các dân tộc còn thi thố, trình diễn những nét văn hóa độc đáo nhất qua các điệu hát, lời ru, tiếng khèn, nhịp chiêng, những món ăn đặc trưng của dân tộc mình… tạo thành một bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 33% tổng dân số của tỉnh. Thực hiện Chương trình số 19-Ctr/TU ngày 15-5-2003 của Tỉnh ủy về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp cụ thể và đưa vào Chương trình hành động của các kỳ đại hội (liên tục các nhiệm kỳ 2004-2009, 2009-2014 và 2014-2019).

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Dec Hđơk thì một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mà Mặt trận tập trung triển khai để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong thời gian qua là quan tâm đến hoạt động bảo tồn, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc anh em thông qua việc tổ chức các ngày lễ, tết truyền thống của đồng bào, tổ chức các hội thi. Đã có nhiều lễ hội, hội thi được phối hợp tổ chức hằng năm và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút nhiều du khách khi đến Đắk Lắk, như: Tết Bunpimay ở Buôn Đôn; Lễ Hạ nêu của người Mường ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), Ngày Hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở huyện Krông Năng…

Cũng qua các lễ hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức để bà con các dân tộc cảnh giác, không nghe, không tin vào những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Nghi thức  té nước cầu may trong dịp Tết Bunpimay  ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Nghi thức té nước cầu may trong dịp Tết Bunpimay ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.


Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chú trọng phát triển, kết nạp các tổ chức thành viên vào Mặt trận. Kết quả từ 22 tổ chức thành viên (năm 2003) đến nay đã tăng lên 40 tổ chức. Các tổ chức thành viên như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… ngày càng phát triển, tăng thêm số hội viên, đoàn viên mới.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.