Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục phát huy vai trò là hạt nhân tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (bài 2)

07:34, 08/11/2018

Bài 2. Lịch sử phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

1. Các tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh - tổ chức tiền thân đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội Phản đế đồng minh đã tuyên truyền vận động nhân dân dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

- Trong những năm 1936 - 1939 Mặt trận Dân chủ Đông Dương và Mặt trận phản đế Đông Dương đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chống đế quốc và bè lũ tay sai, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân quyền.

- Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thu hút mọi giới đồng bào yêu nước, tạo thành cao trào đánh Pháp - đuổi Nhật và là một nhân tố quyết định đưa Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- Ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) ra đời đã mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hội Liên Việt đã cùng với Mặt trận Việt Minh huy động sức mạnh của nhân dân làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng còn non trẻ và đối phó có hiệu quả với thù trong, giặc ngoài, để vượt qua thử thách trước tình thế cách mạng và vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc.

- Ngày 3-3-1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt đã động viên sức mạnh toàn dân, toàn quân tập trung sức người, sức của đẩy mạnh cuộc kháng chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi.

- Thời kỳ 1955 - 1975, cả nước làm hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng hậu phương lớn CNXH ở miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam và đấu tranh giải phóng miền Nam. Cả ba tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10-9-1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960), Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (20-4-1968) cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, tập hợp và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng là: Hội trưởng danh dự Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (5-1946); Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt (3-1951); Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9-1955).

* Cụ Nguyễn Lương Bằng - Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng bộ Việt Minh (5-1941).

* Cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (5-1946).

* Cụ Tôn Đức Thắng là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (3-1951); Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10-9-1955); Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (4-1977).

* Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960).

* Luật sư Trịnh Đình Thảo là Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (20-4-1968).

Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khóa XIII (nhiệm kỳ 2014-2019) ra mắt
Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk khóa XIII (nhiệm kỳ 2014-2019) ra mắt. Ảnh: minh họa

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ đại hội

Sau ngày đất nước thống nhất, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, các tổ chức Mặt trận của hai miền thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã qua 8 kỳ đại hội:

2.1. Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1977 - 1983)

Đại hội họp từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban Thư ký gồm 7 vị. Chủ tịch danh dự: Cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch: Cụ Hoàng Quốc Việt.

2.2. Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1983 - 1988)

Đại hội họp từ ngày 12-5 đến 14-5-1983 tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Chương trình hành động của Đại hội là hướng mọi hoạt động của Mặt trận đi vào thiết thực, hướng về cơ sở, tới địa bàn dân cư. Đại hội cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II gồm 184 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban Thư ký gồm 8 vị.

Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt; Chủ tịch: Kiến trúc sư ­ Huỳnh Tấn Phát; Tổng thư ký: Ông Nguyễn Văn Tiến

2.3. Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1988 - 1994)

Đại hội họp từ ngày 2-11 đến 4-11-1988 tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội biểu dương lực lượng to lớn của toàn dân đoàn kết một lòng tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III gồm 166 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 30 vị, Ban Thư ký gồm 6 vị.

Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt; Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Phó Chủ tịch: Luật sư Phan Anh; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Ông Phạm Văn Kiết

2.4. Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 1994 - 1999)

Đại hội họp từ ngày 17-8 đến 19-8-1994 tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 600 đại biểu. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV gồm: 206 vị. Trong đó Đoàn Chủ tịch gồm 40 vị, Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch gồm 7 vị.

Chủ tịch danh dự: Ông Nguyễn Hữu Thọ; Chủ tịch: Ông Lê Quang Đạo; Tổng Thư ký: Ông Trần Văn Đăng.

2.5. Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 1999 - 2004)

Đại hội họp từ ngày 26-8 đến 28-8-1999 tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 621 đại biểu, là Đại hội "Phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V gồm 253 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị; Ban Thường trực gồm 9 vị; Chủ tịch: Ông Phạm Thế Duyệt; Tổng Thư ký: Ông Trần Văn Đăng.

2.6. Đại hội lần thứ VI (Nhiệm kỳ  2004 - 2009)

Đại hội họp từ ngày 21-9 đến 23-9-2004 tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 878 đại biểu, là Đại hội "Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI gồm 320 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 52 vị, Ban Thường trực gồm 8 vị; Chủ tịch: Ông Phạm Thế Duyệt; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Ông Huỳnh Đảm.

* Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI họp tại Hà Nội (1-2008) đã hiệp thương cử các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký mới: Chủ tịch: Ông Huỳnh Đảm (thay ông Phạm Thế Duyệt nghỉ hưu theo chế độ); Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Ông Vũ Trọng Kim.

2.7. Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2009 - 2014)

Đại hội họp từ ngày 28-9 đến 30-9-2009 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.300 đại biểu, trong đó có 989 đại biểu chính thức và 311 đại biểu khách mời. Chủ đề của Đại hội là "Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII gồm 355 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 58 vị, Ban Thường trực gồm 9 vị; Chủ tịch: Ông Huỳnh Đảm; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Ông Vũ Trọng Kim.

* Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII họp tại Hà Nội (5-9-2013) đã hiệp thương cử ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay ông Huỳnh Đảm nghỉ hưu theo chế độ.

2.8. Đại hội lần thứ VIII (Nhiệm kỳ 2014 - 2019)

Đại hội họp từ ngày 25 đến 27-9-2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.008 đại biểu chính thức, Chủ đề của Đại hội là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII gồm 383 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 62 vị, Ban Thường trực gồm 6 vị. Chủ tịch: Ông Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký: Ông Vũ Trọng Kim

* Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ Năm (khóa VIII) họp tại Hà Nội (14-4-2016) đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII thay ông Vũ Trọng Kim nghỉ hưu theo chế độ.

* Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ Bảy (khóa VIII) họp tại Hà Nội (22-6-2017) đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thay ông Nguyễn Thiện Nhân chuyển công tác.

* Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ Tám (khóa VIII) họp tại TP. Hồ Chí Minh (5-1-2018) đã hiệp thương cử ông Hầu A Lềnh làm Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký thay ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch.

(Còn nữa)

(Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.