Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên: Dấu ấn chặng đường 10 năm

08:41, 18/12/2018

Qua 10 năm xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, nhân dân các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột đã đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, phát triển công – nông nghiệp…

Khởi sắc diện mạo đô thị mới

Đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được công nhận là thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh. Với định hướng xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2010 của Bộ Chính trị, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm trên các lĩnh vực đã và đang được xây dựng, hứa hẹn diện mạo mới như các dự án: đường Đông – Tây; nâng cấp đường từ Quốc lộ 14 vào hồ du lịch sinh thái Ea Kao; hồ thủy lợi Ea Tam; Nhà điều hành trung tâm Trường Đại học Tây Nguyên, Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên; mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đấu nối với hộ gia đình khu vực nội thành; Dự án quản lý môi trường – quản lý chất thải rắn – bãi rác Hòa Phú…

Đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột rợp bóng cây xanh.
Đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột rợp bóng cây xanh.

Song song đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi; mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục được nâng lên, trong đó có 441 phòng học được xây mới; hệ thống y tế phát triển mạnh về chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân… Đặc biệt, công tác giảm nghèo được chú trọng với nhiều dự án, chính sách hỗ trợ thiết thực, đến nay toàn thành phố chỉ còn 690 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,85%). Một thành tựu nổi bật của Buôn Ma Thuột nữa là đến cuối năm 2108, thành phố đã cơ bản hoàn thành 152/152 chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới và đã đề nghị công nhận hoàn thành trong năm nay. Từ sự hỗ trợ của  Nhà nước và đóng góp của nhân dân, bộ mặt nông thôn của 8 xã trên địa bàn thành phố đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng giao thông, cơ sở văn hóa, vật chất được xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng đi lên.

Theo số liệu thống kê của UBND TP. Buôn Ma Thuột, đến cuối năm 2018, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ; trong đó, công nghiệp – xây dựng chiếm 42,92%, dịch vụ 52,95%, nông – lâm nghiệp 4,13%; thu nhập bình quân đầu người đạt 77,92 triệu đồng/năm; 95% gia đình khu vực nội thành và 56,12% gia đình khu vực ngoại thành sử dụng nước sạch...

Giữ gìn bản sắc

 Trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển để trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột hôm nay đã và đang đổi thay từng ngày, đáp ứng các tiêu chí về hiện đại văn minh nhưng vẫn gìn giữ được nét truyền thống và mang bản sắc riêng. Đó là điều kiện khí hậu mang đặc trưng rõ rệt nhất của khu vực Tây Nguyên, một không gian xanh khá lý tưởng và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ...

Trong đó, phải kể các hoạt động góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn như: đưa một số buôn vào phục vụ du lịch; tu bổ, cải tạo, sửa chữa  bến nước và phục dựng nhà dài truyền thống; mở lớp truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh, thiếu niên người DTTS; thành lập và duy trì các đội diễn tấu chiêng và đội văn nghệ dân gian. Ngoài ra, đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các làng nghề, kết nối với tuyến du lịch làng nghề và văn hóa DTTS tại chỗ; duy trì tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc Thái (xã Hòa Phú); lễ hội Hạ nêu của dân tộc Mường (xã Hòa Thắng)… Cùng với đó, bên cạnh những công trình kiến trúc truyền thống, các di tích lịch sử được bảo tồn, tôn tạo như Tòa Giám mục, Biệt điện Bảo Đại, Bảo tàng tỉnh, Đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột… nhiều công trình khác được xây dựng mang hình ảnh cách điệu kết hợp giữa kiến trúc truyền thống với hiện đại cũng tạo nên những nét chấm phá, điểm xuyến cho nét kiến trúc của thành phố.

Nông dân xã Ea Kao tham gia mô hình sản xuất cà phê sạch. Ả
Nông dân xã Ea Kao tham gia mô hình sản xuất cà phê sạch.

Một đặc trưng của Buôn Ma Thuột nữa là hệ thống cây xanh, sông suối, bến nước, hồ đập lớn tô điểm, tạo nên cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho môi trường đô thị. Để đạt được kết quả này, những năm qua thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng, tôn tạo và bảo tồn các hệ thống rừng thực nghiệm, nâng cấp hệ thống sông, suối và phát triển hệ thống cây xanh trên các tuyến đường, khu vực công cộng… tạo lá phổi xanh xung quanh đô thị. Được biết, diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị là 217,22 ha, đạt tỷ lệ 8,88 m2/người, diện tích đất cây xanh toàn thành phố 663,64 ha, tỷ lệ đất cây xanh đô thị đạt 19,02 m2/người.

Có thể nói, đến nay tình hình kinh tế của thành phố đã có bước phát triển khá; công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ vẫn giữ vai trò chủ đạo. Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, chất lượng dịch vụ đô thị ngày càng được cải thiện; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc.

Giai đoạn 2020 -2030, TP. Buôn Ma Thuột đặt ra mục tiêu: xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với hạ tầng đồng bộ; đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng; có ngành công nghiệp năng lượng xanh quy mô lớn nhất trong khu vực Tây Nguyên.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.