Multimedia Đọc Báo in

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc tại huyện Buôn Đôn

18:17, 09/03/2019

Sáng 9-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc tại huyện Buôn Đôn.

Cùng đi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ có Bí thư tỉnh ủy Êban Y Phu; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà bà Nông Thị Hặm - cán bộ lão thành cách mạng ở thôn 7 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn). Bà Nông Thị Hặm sinh năm 1927, dân tộc Tày, quê gốc ở xã Đức Long (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) tham gia hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi. 

Phó
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà cho cán bộ lão thành cách mạng Nông Thị Hặm

Tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã ân cần hỏi thăm và bày tỏ lòng tri ân trước những hy sinh, đóng góp to lớn của bà đối với sự nghiệp giải phóng đất nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chúc bà luôn sống vui khỏe, hạnh phúc để tiếp tục là tấm gương cho con cháu học tập, noi theo. Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác đã đến dự và cắt băng khánh thành cụm 2 Nhà máy Điện mặt trời Srêpôk 1 và Quang Minh tại xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn).

Phó
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ khánh thành cụm 2 nhà máy điện mặt trời Srêpốk 1 và Quang Minh

Cụm 2 nhà máy Điện mặt trời Srêpốk 1 và Quang Minh do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển điện Đại Hải và Công ty Cổ phần điện mặt trời Srêpốk làm chủ đầu tư có công suất 100MWp, được xây dựng trên diện tích 120 ha, tại thôn 9 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) với nguồn vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Hai nhà máy được khởi công từ 19-10-2018 và đến ngày 31-1-2019 đã đưa vào vận hành thương mại. Đây là dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam hiện nay đã phát điện; được quản lý, tổ chức thực hiện, thiết kế và thi công xây dựng hoàn toàn bởi các đơn vị trong nước.

Các đại biểu tham dự lễ khánh thành
Bí thư Tỉnh ủy Ê ban Y Phu và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tham dự lễ khánh thành.

Phát biểu tại biểu lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Tỉnh Đắk Lắk có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của khu vực Tây Nguyên. Việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng của thế giới, của nước ta nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, nơi có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời với tổng bức xạ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 1.900 kW/km2/năm. Vì vậy, ngoài cụm 2 nhà máy điện mặt trời được khánh thành  hôm nay còn nhiều dự án năng lượng mặt trời khác của tỉnh đang được triển khai, nếu đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk và góp phần đảm bảo cho an ninh năng lượng của quốc gia.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu cắt băng khánh thành cụm 2 nhà máy điện mặt trời
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đại biểu cắt băng khánh thành cụm 2 nhà máy Điện mặt trời Srêpốk 1 và Quang Minh 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển về năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk và tại các địa phương khác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chú trọng thực hiện dự án xây dựng phải đúng trình tự và thủ tục, vận hành nhà máy đúng với quy trình của các cấp điều độ, đặc biệt là phải bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý và thay thế pin. 

Phó
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu đi tham quan nhà máy điện mặt trời ở huyện Buôn Đôn.

Về phía địa phương, các cơ quan, ban, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, lập dự án điện mặt trời trên địa bàn, yên tâm đầu tư sản xuất và phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.