Multimedia Đọc Báo in

Tuyệt đối không để xảy ra các điểm nóng về tội phạm

15:11, 09/03/2019

Chiều 8-3, Liên ngành Công an - Viện KSND - TAND tỉnh đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác phối hợp liên ngành năm 2018 và triển khai công tác phối hợp liên ngành năm 2019.

Đến dự có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

th
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành Công an - Viện KSND - TAND tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngành đã chú trọng trong việc tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nhất là những vụ án phức tạp được dư luận quan tâm; tổ chức triển khai thi hành kịp thời, thống nhất và có hiệu quả các đạo luật mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ từng ngành…

Trong năm 2018, các cơ quan liên ngành cấp tỉnh đã thống nhất xác định 7 vụ trọng điểm (đã giải quyết 6 vụ); tổ chức 2 phiên tòa hình sự lưu động và 15 phiên tòa hình sự để rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp; phối hợp xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 1.996 phạm nhân có quá trình cải tạo tiến bộ…

th
Đại biểu thuộc Công an tỉnh tham gia phát biểu thảo luận

Trong năm qua, Cơ quan cảnh sát điều tra - An ninh điều tra (Công an tỉnh) đã thụ lý, giải quyết 108 tin tố giác tội phạm; thụ lý điều tra 150 vụ, 361 bị can (tăng 12 vụ, 53 bị can so với năm 2017). Viện KSND tỉnh đã truy tố 80 vụ, 175 bị can, trên tổng số 85 vụ, 218 bị can phải giải quyết (đạt 94,1%). TAND tỉnh đã thụ lý 80 vụ, 235 bị cáo hình sự sơ thẩm (đã giải quyết 61 vụ, 195 bị cáo, đạt 76,3%) và 526 vụ, 903 bị cáo hình sự phúc thẩm (đã giải quyết 467 vụ, 804 bị cáo, đạt 88,8%).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, hạn chế trong công tác chuyên môn như: công tác phối hợp liên ngành đôi khi chưa chặt chẽ, còn chậm tiến độ giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm; số lượng các vụ án tạm đình chỉ giải quyết còn tồn khá lớn, kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; một số tin báo tội phạm đã quá thời hạn giải quyết nhưng chưa có quyết định gia hạn thêm; công tác phối hợp của liên ngành cấp huyện còn để xảy ra một số vi phạm, thiếu sót và có lúc, có vụ việc chưa kịp thời…

th

Đại diện lãnh đạo Công an - Viện KSND - TAND tỉnh ký kết quy chế phối hợp liên ngành

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Cường đề nghị liên ngành Công an - Viện KSND - TAND tỉnh cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương với nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành; chủ động phòng, ngừa và đấu tranh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyệt đối không để xảy ra các điểm nóng về tội phạm dẫn đến điểm nóng về chính trị; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác phối hợp xử lý, giải quyết triệt để các vụ việc, nhất là các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, kéo dài gây bức xúc dư luận…

Nhân dịp này, lãnh đạo liên ngành Công an - Viện KSND - TAND tỉnh đã tiến hành ký kết 2 quy chế phối hợp liên ngành thay thế Quy chế phối hợp liên ngành số 2, ngày 30-3-2010 trong công tác giải quyết án hình sự và Quy chế liên ngành số 2 ngày 23-7-2013 về phối hợp tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.