Multimedia Đọc Báo in

Những "cánh chim đầu đàn" của buôn làng

08:51, 02/04/2019

Phát huy vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, các già làng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từng bước đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Già làng Y Trí Mlô (74 tuổi) ở buôn Ea Brơ, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk được người dân coi như “cán cân công lý” cho buôn làng. Từ chuyện con heo, con gà đến tranh chấp đất đai, hay việc con cái vô lễ với cha mẹ… tất thảy mọi người trong buôn đều “mách” với già Y Trí. Đôi khi đó chỉ đơn giản là một lời khuyên, nơi để giãi bày tâm sự... người ta cũng tìm đến già. Nhờ vào uy tín cũng như cách giải quyết thấu tình đạt lý của già làng Y Trí Mlô, nhiều năm nay, tình hình an ninh trật tự trong buôn Ea Brơ luôn bảo đảm, không xảy ra các vụ việc nổi cộm, phức tạp.

Già làng Y Trí Mlô ở buôn Ea Brơ, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (ngồi giữa) trò chuyện cùng người dân.
Già làng Y Trí Mlô ở buôn Ea Brơ, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (ngồi giữa) trò chuyện cùng người dân.

Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, trong buôn Ea Brơ có vụ tranh chấp đất đai giữa hai anh em ruột là Y Thanh Byă và Y Thương Byă. Mỗi người được bố mẹ cho 1 ha rẫy, nhưng ai cũng muốn chọn phần đất có cà phê năng suất hơn. Mặc dù gia đình đã ra sức khuyên bảo, can ngăn nhưng không ai chịu nhường ai. Thậm chí hai anh em còn mang cả hung khí ra đe dọa giải quyết mâu thuẫn. Sự việc đến tai già Y Trí. Qua tìm hiểu nguyên nhân, ông đã gọi riêng Y Thương và Y Thanh ra nhà văn hóa cộng đồng buôn, khéo léo khuyên bảo chuyện thiệt hơn. Theo phân tích của già Y Trí, Y Thương đã lập gia đình, cần phải nuôi cả vợ con nên trước mắt cần có thu nhập cao hơn. Y Thanh còn thanh niên, chi phí cuộc sống ít hơn nên chịu thiệt so với anh mình cũng là lẽ hợp lý. Nghe theo lời già làng, Y Thanh đồng ý nhận phần rẫy cà phê kém phát triển hơn. Y Thương cũng thường xuyên giúp em chăm sóc rẫy vườn... Từ đó, hai anh em đã hóa giải mâu thuẫn, hòa thuận trở lại.

 

Đội ngũ các già làng, người có uy tín ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng được ví như những “cánh chim đầu đàn”, là gương sáng cho bà con học tập và làm theo. Họ đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối quan trọng gắn kết đồng bào các dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương".

 
Ông Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc)

Hơn 10 năm qua, ông Y Ghi Du ở buôn Yuk, xã Đắk Liêng, huyện Lắk được người dân tín nhiệm bầu làm già làng của buôn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, già Y Ghi Du luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đưa các giống cây trồng có năng suất cao, được thị trường ưa chuộng như bơ, mít, tiêu vào trồng xen trong rẫy cà phê; phát triển chăn nuôi theo hình thức nhốt tập trung thay cho việc thả rông như trước. Già Y Ghi tâm niệm, để người dân tin và làm theo thì bản thân mình và gia đình luôn phải làm gương trước. Năm 2014, già Y Ghi đã mạnh dạn đưa thêm giống bơ Booth vào trồng xen canh trong hơn 1 ha cà phê. Tại các bờ ven rẫy, già còn trồng thêm cây chắn gió, che nắng như keo, muồng để làm thức ăn cho 10 con dê nuôi nhốt. Đến năm 2017, mô hình cây, con kết hợp này đã đem lại thu nhập cho gia đình già Y Ghi trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, già Y Ghi còn thường xuyên quan tâm tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho người dân trong buôn. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong buôn đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, thu nhập gấp 2-3 lần so với những năm trước đây, đời sống kinh tế của người dân ngày một cải thiện.

Già làng Y Chớt Niê (bên trái) buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar là một trong những điển hình tiêu biểu trong công tác dân vận khéo.
Già làng Y Chớt Niê (bên trái) buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar là một trong những điển hình tiêu biểu trong công tác dân vận khéo.

Theo bà Hồ Thị Thúy Do, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, nhờ hiểu về phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của dân tộc, cộng đồng mình, các già làng là nhân tố quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn ở thôn, buôn; vận động nhân dân đoàn kết, bài trừ hủ tục, chống bạo lực và thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tuyên truyền, phổ biến về tác hại của rượu, ma túy, hoạt động chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch... Những năm qua, các già làng, người có uy tín không chỉ là tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng nơi cư trú mà còn phát huy tốt vai trò vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.