Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

12:09, 23/07/2019

Trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) tỉnh đã làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Trong đó, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPBGĐXH) là chức năng, nhiệm vụ quan trọng, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh hiện có 22 hội thành viên và 3 đơn vị trực thuộc với khoảng 15.000 thành viên hoạt động trong tất cả các lĩnh vực. Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh cho biết, hoạt động TVPBGĐXH là nhiệm vụ trọng tâm và thế mạnh nên Liên hiệp hội đã tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả hoạt động này, góp phần xây dựng, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho việc hoạch định chính sách và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Những năm qua, Liên hiệp hội đã tập hợp những chuyên gia, nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện và đóng góp ý kiến cho các đề án, chương trình, chính sách của tỉnh như: Đề án xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2020; Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2005-2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Đề án điều chỉnh quy hoạch chung các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh…

Các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên kiểm tra sự phát triển  của cây cà phê nuôi cấy mô.
Các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên kiểm tra sự phát triển của cây cà phê nuôi cấy mô.

Đặc biệt, sau khi có Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 1-7-2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về hoạt động TVPBGĐXH của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Liên hiệp hội đã tư vấn, phản biện và đóng góp ý kiến độc lập cho các dự án quan trọng của tỉnh như: Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2018-2022 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk và Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk; Đề án quy hoạch chung thị xã Buôn Hồ đến năm 2030; Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020… 

 

“Hoạt động phản biện của Mặt trận mang tính xã hội còn hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh mang tính khoa học nên khi kết hợp chặt chẽ sẽ mang lại hiệu quả ứng dụng cao”.

 

 
Bà Châu Thị Kim Thuận, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thì trong những năm qua, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh đã từng bước tổ chức tốt các hoạt động TVPBGĐXH trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến TVPBGĐXH của các nhà khoa học đã được lãnh đạo tỉnh, chủ đầu tư và các đơn vị xây dựng đề án, dự án đánh giá rất cao. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, so với tiềm lực đội ngũ trí thức của tỉnh, cũng như yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì hoạt động TVPBGĐXH vẫn còn có mặt  hạn chế. Điển hình như việc “đặt hàng” tư vấn phản biện từ các chủ đầu tư chưa nhiều, thậm chí vẫn còn nhiều dự án chưa được phản biện.

Đồng tình với đánh giá này, bà Châu Thị Kim Thuận, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng chỉ ra thêm một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động TVPBGĐXH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hoạt động này vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng bởi cơ sở pháp lý chưa cụ thể, chi tiết. Mặc dù đã có quy định chung là những chủ trương, chính sách, đề án, dự án quan trọng phải được tiến hành phản biện và giám định xã hội nhưng thiếu văn bản quy định một cách cụ thể. Ngoài ra yếu tố quan trọng cho một cuộc tư vấn, phản biện là cần đội ngũ chuyên gia có hiểu biết về chuyên môn và cần được cập nhật, tiếp xúc với vấn đề đang đặt ra. Tuy nhiên, thực tế thì đội ngũ này đang ở các hội nghề nghiệp hoặc nghỉ hưu nên bị hạn chế về nguồn thông tin. Vì vậy, ý kiến phản biện sẽ chưa sâu sắc và có thể không đúng với thực tế đang xảy ra…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động TVPBGĐXH, bà Thuận cho rằng: Cần phải có quy định bắt buộc việc lấy ý kiến TVPBGĐXH của Liên hiệp các Hội KHKT và các tổ chức thành viên cùng cấp có liên quan đối với những văn bản quy phạm pháp luật, các dự án tác động đến cộng đồng trước khi thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên cần nhạy bén và linh hoạt để lấy được nhiều ý kiến tham vấn của cộng đồng, bởi người dân chính là đối tượng thụ hưởng và cũng là người kiểm định kết quả các chủ trương, chính sách, dự án, công trình sát thực nhất. Bà Thuận cũng “hiến kế” cho Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh nên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để làm tốt hoạt động phản biện. Bởi, Ủy ban MTTQ có chức năng huy động được nguồn nhân lực rộng lớn trong xã hội, và đặc biệt  Ủy ban MTTQ tỉnh có 4 hội đồng tư vấn với hơn 40 thành viên, tư vấn ở các lĩnh vực chuyên sâu.

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.