Multimedia Đọc Báo in

"Dân vận khéo" ở Cư Né: Gắn trách nhiệm với lợi ích của người dân

12:28, 26/09/2019

Để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xã Cư Né (huyện Krông Búk) đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân.

Điển hình trong phong trào "Dân vận khéo" ở Cư Né là việc vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ông Y Phim Mlô, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Cư Né là xã thuần nông, với trên 60% dân số là người dân tộc Êđê. Trước đây người dân trong xã chỉ độc canh cây cà phê; việc chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ. Do tập quán sản xuất lạc hậu, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên nên năng suất cây trồng đạt thấp, đời sống của người dân rất khó khăn.

Trước tình hình đó, năm 2010, Đảng ủy xã Cư Né đã chỉ đạo UBND xã, các tổ chức chính trị xã hội địa phương và chi bộ trực thuộc xây dựng mô hình Tổ dân vận khéo ở 100% thôn, buôn nhằm tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, cách làm, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước.

Các thành viên Tổ an ninh trật tự ở thôn Ea Krôm, xã Cư Né tuần tra bảo đảm an ninh tại khu vực rẫy của người dân.
Các thành viên Tổ an ninh trật tự ở thôn Ea Krôm, xã Cư Né tuần tra bảo đảm an ninh tại khu vực rẫy của người dân.

Theo đó, để công tác dân vận đạt hiệu quả, UBND xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với một số ngành, đơn vị chức năng của huyện, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất để người dân học tập; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất…

Cùng với đó, thành viên các Tổ dân vận luôn là người tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống cây trồng mới được thị trường ưa chuộng vào sản xuất, sau đó vận động anh em, họ hàng và bà con lối xóm cùng làm theo. Nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo", đến nay, 100% hộ dân trong xã đã xóa bỏ được các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, tích cực đưa các giống sầu riêng, tiêu, bơ... vào trồng xen trong rẫy cà phê, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3,2% năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm (cao hơn năm 2010 trên 20 triệu đồng).

 
“Phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở xã Cư Né đã khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo của nhân dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế”.
 
ông Y Phim Mlô, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Né

Trước đây, tình hình an ninh trật tự ở thôn Ea Krôm khá phức tạp, nhất là tình trạng thanh niên say rượu gây gổ đánh nhau; nạn trộm cắp nông sản xảy ra thường xuyên gây bức xúc trong nhân dân. Trước thực trạng đó, năm 2015, chi bộ, Ban tự quản thôn Ea Krôm tổ chức họp bàn với dân và thống nhất phối hợp với Công an xã Cư Né thành lập Tổ an ninh trật tự thôn. Theo đó, các thành viên của tổ ngoài đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên thì người dân cũng tín cử bầu chọn những người có uy tín, luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương.

Tổ an ninh trật tự thôn hiện có 10 thành viên chính thức, hoạt động chủ yếu là đi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phân công nhau tuần tra, kịp thời nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm về trật tự, an ninh trong thôn. Đây được xem là điều kiện để tập hợp và tổ chức cho quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực an ninh trật tự.

Hằng năm, người dân trong thôn đều tự nguyện đóng góp 100.000 đồng/hộ để tổ mua dụng cụ hỗ trợ việc tuần tra, duy trì hoạt động. Theo Trưởng thôn Ea Krôm Hoàng Mạnh Thu, hoạt động của Tổ an ninh trật tự đã tạo được niềm tin và sự đồng lòng của nhân dân, giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, không vi phạm an ninh trật tự. Với cách làm đó, từ năm 2016 đến nay, tình hình an ninh trật tự ở thôn Ea Krôm luôn được giữ ổn định, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn. Nhiều năm liền thôn Ea Krôm được công nhận danh hiệu thôn văn hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Né Y Hiệp Êban (bên trái) đang vận động người dân tái canh diện tích cà phê già cỗi.
Bí thư Đảng ủy xã Cư Né Y Hiệp Êban (bên trái) đang vận động người dân tái canh diện tích cà phê già cỗi.

Theo ông Y Phim Mlô, thời gian qua, công tác "Dân vận khéo" ở xã Cư Né đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương. Đặc biệt, công tác dân vận đã chú trọng gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.