Nhìn lại 10 năm thi đua "Dân vận khéo" ở Cư M'gar
10 năm qua, Phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở huyện Cư M’gar đã được triển khai sâu rộng đến từng cơ sở, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần khơi dậy nội lực, huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Theo bà H' Hoa Ayun, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cư M’gar, xác định Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và phải trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, cho nên căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị, các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng của huyện đã định hướng việc lựa chọn, xác định nội dung phù hợp để vận động, phát huy được sức mạnh của nhân dân trên địa bàn.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, hệ thống dân vận, mặt trận và các đoàn thể của huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư; động viên bà con cùng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, còn tổ chức 2.310 buổi phát động quần chúng, thu hút trên 622 nghìn lượt người tham dự với các nội dung như: phát động phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”; xây dựng các mô hình dân vận khéo, vận động nhân dân lao động sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Hội Cựu chiến binh xã Quảng Hiệp đập heo đất hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. |
Đặc biệt, Phong trào “Dân vận khéo” đã gắn với việc thực hiện hai Chương trình mục tiêu Quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả tích cực, thực hiện khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phong trào đã lan tỏa sâu rộng đến quần chúng nhân dân nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, phát huy vai trò, nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, ngành, đoàn thể trong huyện.
Chẳng hạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng việc phát động các chương trình “Hỗ trợ bò sinh sản - chung tay cùng phụ nữ nghèo”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Tổ góp vốn quay vòng”, “Tổ tiết kiệm giúp nhau”... đã huy động được trên 21,3 tỷ đồng và xét cho 1.647 phụ nữ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Hội Nông dân đã phát động Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo", đã vận động các hộ khá, giỏi đóng góp 1.360 kg giống các loại, 15.603 cây giống, 3.450 con giống, 9.540 ngày công và trên 7 tỷ đồng để giúp đỡ cho trên 1.500 hộ nông dân thoát nghèo. Từ năm 2009 đến nay Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp phân bón cung ứng gần 23.000 tấn phân bón các loại bằng phương thức trả chậm, hỗ trợ cho hàng chục ngàn hộ nông dân trong huyện đầu tư phát triển sản xuất...
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Hiệp đập heo đất tiết kiệm nhằm hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết và ngân hàng bò cho hộ nghèo. |
Đến nay, toàn huyện đã có hơn 96 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 158 điển hình xuất sắc tiêu biểu trên các lĩnh vực. Có thể kể đến mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”, “Giảm một hộ đói, xóa một hộ nghèo” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện; mô hình “Hũ gạo tình thương, ống tiền tiết kiệm” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nghèo có vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định đời sống; tổ hợp tác “Liên kết sản phẩm thổ cẩm” (buôn B’rah, xã Ea Tul) đã tạo việc làm cho 11 hội viên, phụ nữ; phong trào “Nuôi heo đất” được nhân rộng khắp các cơ quan, đơn vị và tổ chức cơ sở Đảng mà tiêu biểu là ở thị trấn Quảng Phú, các xã Quảng Tiến, Ea M’droh, Ea H’đing, Quảng Hiệp…
Đó còn là các điển hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như ông Lô Hoàng Bé (xã Quảng Hiệp), ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Ea H'đing) trồng bơ ghép, sầu riêng xen trong cà phê; mô hình trồng xen cà phê, ca cao, sầu riêng kết hợp chăn nuôi bò, dê, cá của ông Ama Khoen, ông Lương Văn Tào (Ea Kuêh); mô hình chăn nuôi heo hướng nạc của ông Đinh Ngọc Lĩnh, ông Phạm Na (Xã Ea H’đing); mô hình nuôi heo, gà Mông của hộ ông Lưu Văn Đức (xã Ea M’droh)… Bên cạnh những mô hình phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nhiều địa phương, đơn vị cũng xây dựng những mô hình mang ý nghĩa cộng đồng cao như mô hình “Kết nối yêu thương”, câu lạc bộ “Giọt máu hồng” của Tổ dân phố 3A (thị trấn Quảng Phú); mô hình “Giữ gìn, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc” của xã Ea Kuêh...
Để phong trào xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện đã huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia ủng hộ quỹ, qua đó tạo điều kiện giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. 10 năm qua, Quỹ đã vận động trên 14,6 tỷ đồng, hỗ trợ làm 277 nhà Đại đoàn kết, với số tiền gần 9,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 129 nhà 167, trị giá 580 triệu đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 99 nhà ở cho gia đình chính sách…
Có thể nói, với những cách làm hay, sáng tạo, các cấp ủy Đảng và đoàn thể ở huyện Cư M’gar đã lựa chọn đúng những vấn đề được người dân quan tâm và khéo vận động, khuyến khích bà con nhân dân cùng vào cuộc thực hiện. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần tích cực trong việc đấu tranh với cái xấu, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhờ “khéo” vận động mà huyện Cư M’gar đã huy động nhân dân tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công để xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh. Trong 10 năm qua, nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn 94 tỷ đồng và 53.771 ngày công, hiến 77.302 m2 đất; sửa chữa, nâng cấp và làm mới 342 km đường giao thông nông thôn. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc