Multimedia Đọc Báo in

Sáng ngời biểu tượng của tình đoàn kết Việt Nam - Lào

10:40, 01/11/2019
Ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”.
 
Đây là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Sự đóng góp to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
 
Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam và Lào thành hai nước độc lập, thống nhất, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới – giai đoạn hợp tác toàn diện. Ngày 5-2-1976, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam. Hai đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Lào.
 
Ngày 30-4-1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 251-NQ/TW về tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: “Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân ta trong tình hình hiện nay”.
 
Vào cuối năm 1976 đầu năm 1977, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đứng trước tình hình an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa. Theo yêu cầu chính thức của Lào, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam một lần nữa đã trở lại giúp bạn.
 
Ngày 18-7-1977, trong cuộc thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài. Đây là các hiệp ước đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược lâu dài, khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, đoàn kết chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước.   Ảnh tư liệu
Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước. Ảnh tư liệu
Ngày 22-7-1977, Hiệp ước hợp tác quân sự giữa hai nước được ký kết. Ngày 22-9-1977, Bộ Quốc phòng hai nước Việt, Lào đã ký Hiệp ước phòng thủ. Ngày 28-6-1978, Binh đoàn 678 trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam được thành lập, làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Binh đoàn 678 đã phối hợp với Quân đội nhân dân Lào chiến đấu, truy quét phỉ, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng Lào trong giai đoạn 1978 - 1983.
 
Quán triệt Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của phía bạn, trước hết là cùng với quân và dân nước bạn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh chính trị.
 
Từ giữa năm 1976, Việt Nam đã cử hàng trăm chuyên gia sang làm việc tại Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, các quân binh chủng, ở các tỉnh trọng điểm của Lào. Từ tháng 8-1977 đến ngày 13-11-1978, Sư đoàn 324 đã phối hợp với lực lượng quân sự Lào chiến đấu đập tan các âm mưu, ý đồ chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, thu hồi lại nhiều địa bàn quan trọng ở vùng rừng núi của Lào. Đặc biệt, tháng 5-1985, Quân khu 4 Việt Nam đã sử dụng Tiểu đoàn 31 đặc công và một số đơn vị bộ binh cùng các đơn vị vũ trang Lào phá tan sào huyệt phỉ lớn nhất ở Buôm Lọng, góp phần ổn định tình hình của Lào.
 
Quân đội ta còn giúp bạn nhiều vũ khí, trang bị, xây dựng cơ sở kinh tế, hậu cần kỹ thuật; giúp bạn đào tạo đội ngũ cán bộ đông đảo thông qua các hình thức đưa sang học ở các học viện, nhà trường quân đội; chuyên gia Việt Nam giúp các nhà trường quân sự của Lào về tổ chức, chương trình, nội dung, giáo án, kể cả giảng dạy.
 
Trong 6 năm, kể từ khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trung bình mỗi năm Việt Nam cử 900 chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau sang hợp tác với Lào và đã đào tạo cho bạn một nửa số cán bộ trong tổng số cán bộ của bạn được đào tạo ở nước ngoài. Từ năm 1976 - 1985, Việt Nam cử 5.957 chuyên gia các lĩnh vực sang hợp tác với Lào.
 
Trong những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Bộ Quốc phòng hai nước thường xuyên gặp gỡ, tham vấn về chiến lược quốc phòng dài hạn và đường lối quốc phòng toàn dân, toàn diện của nhau. Theo yêu cầu của Lào, Việt Nam hợp tác xây dựng Quân đội nhân dân Lào vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn, có sức chiến đấu cao, làm chỗ dựa cho thế trận chiến tranh nhân dân ở Lào.
 
Từ năm 1996, trên cơ sở định hướng của thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng về quốc phòng – an ninh, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào tiếp tục tiến hành các cuộc gặp trao đổi, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau về xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn. Hằng năm, Việt Nam cử chuyên gia quân sự sang làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng các kế hoạch và lập phương án tác chiến giúp bạn Lào.
 
Về đào tạo cán bộ, ngoài chương trình đào tạo dài hạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị của Quân đội Lào. Việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trên đất Lào cũng được hai bên quan tâm, tích cực phối hợp và đạt được kết quả tốt.
 
Hai nước cũng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật… Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp và thủy lợi sang giúp Lào nghiên cứu, thu thập tài liệu, khảo sát phân tích đất, thiết kế hệ thống thủy lợi, tiến hành xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho các dự án về nông nghiệp; trực tiếp xuống tận các bản làng để giúp đỡ nông dân Lào canh tác, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hệ thống thủy lợi, phát triển kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp khoa học.
 
Đồng thời, Lào còn yêu cầu Việt Nam cử các chuyên gia sang giúp bạn xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp… Trong những năm 1996 - 2000, theo yêu cầu của Lào, Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia sang giúp bạn, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế (63%), quốc phòng – an ninh (28%) và các lĩnh vực khác.
 
Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường. Hai bên tiếp tục khẳng định hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh là một trong những trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước; nhất trí tăng cường phối hợp, triển khai đầy đủ và hiệu quả các nội dung hợp tác với mục tiêu củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội để xây dựng đất nước và làm thất bại âm mưu chia rẽ mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào.
 
Ban Tuyên giáo Trung ương – 
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.