Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu mạnh
Đắk Lắk là tỉnh miền núi, điều kiện về hạ tầng và kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng lại là nơi thu hút và quần tụ 49 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc và miền núi, được đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt vùng dân tộc và miền núi có nhiều khởi sắc, các dân tộc đã có sự tiến bộ rõ rệt trên tất cả các mặt.
5 năm qua, từ sau Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II năm 2014 đến nay, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 8,39%; thu nhập bình quân đầu người 5 năm qua đạt 45,5 triệu đồng/người/năm. Riêng năm 2019 ước đạt mức 49,1 triệu đồng/người/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2019 đạt 51.496 tỷ đồng, cao gấp 1.48 lần so với năm 2014. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 đạt 33.700 tỷ đồng, cao gấp 2,49 lần năm 2014. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 620 triệu USD. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt 6.910 tỷ đồng…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (bìa trái) đến thăm gia đình liệt sỹ Y Ơn Niê ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Ảnh: D. Tiến |
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương đã dành nguồn lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho vùng dân tộc miền núi động lực mới để phát triển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với đà phát triển kinh tế, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa cũng đều có sự khởi sắc; an ninh chính trị được giữ vững; đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc được tăng cường; nhiều đơn vị và cá nhân điển hình tiên tiến người DTTS nổi lên như những bông hoa tươi thắm trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành tựu đạt được của đồng bào các DTTS trong tỉnh đã chứng tỏ sự năng động sáng tạo, cần cù chịu khó, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu với nghị lực cao; đồng thời nói lên chủ trương, đường lối, chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, tính ưu việt của chế độ ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội một số vùng dân tộc còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào tuy có giảm qua các năm, nhưng vẫn còn cao. Hiện nay, hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 69,68% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Cùng với đó, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có; việc đào tạo nghề cho con em đồng bào DTTS còn hạn chế, bất cập, nhiều sinh viên ra trường chưa bố trí được việc làm; giải quyết việc làm cho lao động DTTS còn thấp; nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc chưa sâu sắc, toàn diện; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân tộc…
Sắc màu các dân tộc trong một lễ hội tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia |
Từ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế đã nêu trên, để phát huy thuận lợi thế mạnh sẵn có, khắc phục khó khăn, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao hơn, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, thời gian tới, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân tiếp tục quán triệt, nắm vững, đầy đủ về các chủ trương, đường lối đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức thống nhất và đầy đủ vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay đối với tỉnh ta nói riêng, Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Chú trọng thực hiện các chính sách cải thiện hơn nữa đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ, cùng phát triển; nâng cao trình độ dân trí; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ đồng bào DTTS; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tăng cường cơ hội để đồng bào được tiếp cận tốt hơn, công bằng hơn đối với thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước.
Triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án; cần quan tâm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là tới đây tỉnh có kế hoach, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua và thực hiện từ năm 2021.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc; chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín là người DTTS; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là làm tốt việc tuyên truyền tới đồng bào để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong lao động và sản xuất; nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa”; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Sản phẩm dệt thổ cẩm được trưng bày tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của thị xã Buôn Hồ. Ảnh: T. Hồng |
Tiếp tục tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS; thường xuyên đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo… để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; thực hiện tốt việc tranh thủ và phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS để cùng với lãnh đạo địa phương vận động đồng bào tích cực thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đã, đang và sẽ triển khai trong giai đoạn tới trên địa bàn tỉnh.
Đối với đồng bào DTTS, cần phát huy tính tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại, đoàn kết yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Tích cực, chủ động tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, bà con cần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xứng đáng với truyền thống quý báu từ ngàn đời nay của các DTTS Việt Nam.
Với truyền thống tốt đẹp và bề dày thành tích của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy những kết quả to lớn trong các giai đoạn lịch sử, phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái lập thành tích thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn thách thức xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ý kiến bạn đọc