Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa việc học và làm theo gương Bác

07:14, 27/01/2020

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên địa bàn huyện M’Đrắk đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều điển hình tiêu biểu, có sức lan tỏa trong cộng đồng…  

Ngay sau khi Chỉ thị số 05 và Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 31-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy M’Đrắk đã ban hành Kế hoạch số 15-KH/HU, ngày 21-11-2016 xác định nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Chỉ thị 05 trong toàn khóa; đồng thời ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Đồng chí Hồ Duy Thành, Bí thư Huyện ủy M’Đrắk cho biết, sau khi tổ chức học tập các chuyên đề, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đều đăng ký làm theo Bác gắn với nội dung chuyên đề của năm và nhiệm vụ được giao, trong đó nói rõ nội dung, việc làm theo Bác, thời gian và giải pháp thực hiện. Bản cam kết này được cấp ủy xác nhận và công khai để mọi người đều có thể giám sát, đánh giá kết quả thực hiện và là một trong những tiêu chí xếp loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.

Một tiết học của thầy và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tại điểm trường thôn 4, xã Cư San.
Một tiết học của thầy và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tại điểm trường thôn 4, xã Cư San.

Với quyết tâm chuyển từ “học tập” sang “làm theo”, thời gian qua trên địa bàn huyện M’Đrắk đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm có hiệu quả. Tiêu biểu như phong trào thực hành tiết kiệm, từ năm 2016-2018, Đảng bộ huyện đã vận động cán bộ, đảng viên tiết kiệm được hơn 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 8 phòng ở công vụ cho giáo viên và 2 phòng học ở các trường vùng sâu, vùng xa. Riêng năm 2019, Đảng bộ huyện đã vận động được 550 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng bám sát tình hình thực tế, gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình như Liên đoàn Lao động huyện đã vận động được trên 2 tỷ đồng Quỹ Đoàn kết tương trợ để kịp thời hỗ trợ cho hơn 500 lượt đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn; Hội Cựu chiến binh huyện vận động được hơn 184 triệu đồng hỗ trợ xây nhà và tặng bò giống cho hội viên nghèo; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng được 136 mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, 127 mô hình “Nuôi heo đất”, 106 mô hình  “Ống tiền tiết kiệm” với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng; Hội Nông dân huyện vận động được 334 triệu đồng, 15.557 cây giống, 1.089 con giống, 1.436 ngày công giúp cho các hộ nghèo phát triển sản xuất…

 

“Đối với tôi, việc học và làm theo lời Bác đơn giản chỉ là thể hiện hết trách nhiệm và lòng đam mê với nghề”. 


 
Thầy Nguyễn Khánh Lâm, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Cư San)

Cùng với những tập thể điển hình, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện nhiều gương cá nhân tiêu biểu trong việc học và làm theo Bác. Đó là tấm gương của thầy giáo Nguyễn Khánh Lâm ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, xã vùng sâu Cư San. Trường cách trung tâm huyện hơn 30 km đường đèo hun hút, gập ghềnh. Học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào sinh sống nên khả năng học tiếng Việt còn chậm; phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình nên đã “khó” càng “thêm khó”. Thầy Lâm tâm sự: “Dù khó khăn đến mấy chúng tôi vẫn động viên nhau bám trường, bám lớp với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục của ngôi trường nơi vùng sâu Cư San này…”. 

Còn với ông Nguyễn Hữu Thạch (ở thôn 9, xã Ea Pil) thì việc mạnh dạn đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng là một cách học tập và làm theo gương Bác. Với suy nghĩ ấy, ông Thạch đã mạnh dạn đầu tư trồng 1.000 cây nhãn Chi Hương trên diện tích trước đây gia đình trồng mía, ngô… Hiện vườn nhãn của gia đình ông đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 25 tấn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Thạch có thu nhập ổn định khoảng 500 triệu đồng.

Người dân góp sức làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Pil.
Người dân góp sức làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Pil.

Theo đánh giá của đồng chí Hồ Duy Thành, những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị số 05 trên địa bàn huyện đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực để địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.