Multimedia Đọc Báo in

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân vận chính quyền

10:12, 10/01/2020

Năm 2019, nhằm tăng cường công tác dân vận của chính quyền, góp phần xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp tục chọn chủ đề công tác là “Năm dân vận chính quyền”.

Ở Đắk Lắk, sau một năm thực hiện, công tác dân vận chính quyền đã có bước đột phá với những kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, các cấp ủy đảng đã coi trọng việc ban hành các văn bản lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đã xây dựng, triển khai đồng bộ chương trình, kế hoạch “Năm dân vận chính quyền” gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, địa phương, đơn vị.

Năm 2019 ghi dấu ấn sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước đối với các nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác phối hợp để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tập trung ưu tiên cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giải đáp kiến nghị của các  cá nhân, tổ chức tại buổi đối thoại về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính.   Ảnh: T.Hường
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giải đáp kiến nghị của các cá nhân, tổ chức tại buổi đối thoại về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: T.Hường

Thực tế khẳng định, năm 2019, công tác dân vận chính quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, thể hiện qua việc có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực này. Thông qua các chương trình hành động, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy quyền làm chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay sáng tạo, hướng mạnh vào ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Trong 2.724 mô hình, điển hình, cách làm hay được xây dựng trong 10 năm qua, đến nay vẫn tiếp tục có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đã có 1.276 điển hình xuất sắc tiêu biểu được các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị biểu dương, khen thưởng.

Có thể nói, qua triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, công tác dân vận đã có sức lan tỏa, đi vào chiều sâu và đạt những hiệu quả khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận chính quyền vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: Một số cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương của Đảng đối với công tác dân vận, còn tư tưởng xem nhẹ công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; ở một số địa phương, việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vẫn còn hình thức. Trách nhiệm, phương pháp công tác dân vận trong một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tham mưu, giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, hiệu quả thấp.

Tình hình trên đặt ra yêu cầu trong năm 2020 cần tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả hơn chủ trương của Đảng về công tác dân vận, qua đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm và hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, địa phương, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong mối quan hệ với nhân dân. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền trong thực thi công vụ, tăng chỉ số hài lòng của người dân. Đặc biệt, cấp ủy và chính quyền cần tổ chức tốt công tác tiếp dân, phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Mai Lan Anh

(Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.