Multimedia Đọc Báo in

Quốc hội tiếp tục thảo luận nhiều dựa án luật

19:07, 28/05/2020

Ngày 28-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến đối với các dự án luật gồm: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 và dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1: 2021 - 2025; giai đoạn 2: 2026 - 2030 với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

f
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại Nhà Quốc hội - Thủ đô Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

Chương trình gồm 10 dự án thành phần. Cụ thể, Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; Dự án 2: Sắp xếp, quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 dự kiến 134.270,70 tỷ đồng.

Thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm về lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, về đầu tư dự án PPP vào lĩnh vực năng lượng, nhiều đại biểu tán thành lựa chọn Phương án 1 là thu hút đầu tư tư nhân qua hình thức PPP vào nhà máy điện, lưới điện nói riêng (trừ thủy điện) nhằm loại bỏ tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh cho ngành điện. Ngoài ra các đại biểu đồng tình với việc không khuyến khích thủy điện do vấn đề ảnh hưởng tác động đến tài nguyên, mức độ an toàn đối với đời sống của người dân.

f
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Đối với các quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, nhiều đại biểu chỉ ra rằng bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Do đó các đại biểu cho rằng nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, đa số ý kiến các ĐBQH tán thành với bổ sung 2 loại hình thiên tai mới và 3 loại công trình phòng, chống thiên tai như Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung một số loại hình thiên tai như “sương giá”, “triều cường”, “giông lốc”, “lún sụt”; bổ sung cháy rừng do tự nhiên là loại hình thiên tai trong vì tính chất khốc liệt của loại cháy này để chủ động phòng, chống và sử dụng hiệu quả hệ thống Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai cho công tác này…

Đối với báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội chấp thuận, quyết định phân bổ chi tiết cho 33 bộ, ngành khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại và cho phép quyết toán NSNN năm 2018 theo quy định; điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển của Bộ Tài chính và cho phép quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2018; cho phép quyết toán NSNN năm 2018 khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc