Multimedia Đọc Báo in

Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở thị xã Buôn Hồ

07:45, 19/06/2020

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả của các cấp chính quyền ở thị xã Buôn Hồ đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, góp phần quan trọng sớm đưa chương trình xây dựng NTM về đích.

Xác định "Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Dân vận Thị ủy Buôn Hồ đã chỉ đạo, hướng dẫn khối dân vận xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân; phát động các phong trào thi đua của tổ chức mình gắn với xây dựng NTM.

Một đoạn đường nội buôn Phieo (xã Ea Drông) được bê tông hóa nhờ sự tham gia ngày công và hiến đất  của người dân.
Một đoạn đường nội buôn Phieo (xã Ea Drông) được bê tông hóa nhờ sự tham gia ngày công và hiến đất của người dân.

Để hoàn thành các tiêu chí còn lại thực hiện mục tiêu phấn đấu về đích NTM vào cuối năm nay, xã Ea Drông hiện đang dồn sức xây dựng các con đường giao thông nông thôn. Để nhận được sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia đóng góp của người dân là cả một quá trình gian nan và kiên trì của những cán bộ làm công tác dân vận ở xã và các thôn, buôn. Do phần lớn người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, đời sống cũng khó khăn nên khi kêu gọi nhân dân đóng góp tiền, ngày công và hiến đất để làm đường giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự khéo léo trong việc giải thích, vận động thì hầu hết người dân đã thay đổi cách nghĩ và đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

Đơn cử như buôn Phieo, người dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất và ngày công lao động để bê tông hóa các tuyến đường nội buôn. Là buôn đặc biệt khó khăn nên khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm đường, bà con đều tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt cây và tham gia vào việc làm đường. Đến nay, tất cả các tuyến đường nội buôn đều đã bê tông hóa sạch đẹp, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn. Ở buôn Tung Krăk, ngoài việc hiến đất, mới đây người dân đã đóng góp 99 triệu đồng để bê tông hóa đoạn đường nội buôn có chiều dài hơn 400 m. Theo Trưởng buôn Y Thuy Niê, đây là đoạn đường nội buôn dẫn ra vùng đất canh tác của người dân và ra khu nghĩa trang của buôn. Vì thế, khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công và hiến đất để làm đường.

Ở xã Ea Siên, nhờ công tác dân vận khéo, người dân đã nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, di dời trang trại chăn nuôi gia súc, cơ sở chế biến nông sản trong khu dân cư vào khu quy hoạch, hoặc ra các địa điểm xa dân cư. Qua đó, nhiều hộ chăn nuôi mới cũng đã chủ động đầu tư xây dựng trang trại cách xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như an toàn dịch bệnh cho vật nuôi.

Cán bộ buôn Tung Krăk (xã Ea Drông) trao đổi về công tác làm đường với người dân trong buôn.
Cán bộ buôn Tung Krăk (xã Ea Drông) trao đổi về công tác làm đường với người dân trong buôn.

Cùng với đó, Đội công tác phát động quần chúng chuyên trách 253 của thị xã cũng đã bám sát địa bàn, nắm rõ tình hình ở cơ sở để kịp thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đấu tranh ngăn chặn kịp thời các vụ việc liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", vượt biên trái phép…

Theo ông Mlô Y Hoa, Phó Ban Dân vận Thị ủy Buôn Hồ, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm, triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hơn thế nữa, phong trào đã đi vào đời sống xã hội, tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đến nay, thị xã Buôn Hồ có 4/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

Có thể nói, các mô hình “Dân vận khéo” đều được xây dựng gắn với việc vận động nhân dân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo; phát triển văn hóa - xã hội - giáo dục; bảo vệ môi trường; bảo vệ an ninh - trật tự an toàn xã hội; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất tại các địa phương… Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay và được nhân rộng, cụ thể như: mô hình dân vận khéo trong vận động nhân dân hiến đất làm đường ở buôn Tung Krăk và buôn Phieo (xã Ea Drông); vận động nhân dân duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống ở buôn Tring 2 (phường An Lạc); Cựu chiến binh với phong trào xây dựng quỹ hội viên giúp nhau phát triển sản xuất; mô hình “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận” của Trung đoàn Bộ binh 95 đứng chân trên địa bàn; mô hình “Tiếng kẻng an ninh”… Ngoài ra, còn có nhiều mô hình dân vận khéo trong việc vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, chăn nuôi như mô hình nuôi dê sinh sản của Hội LHPN và Hội Nông dân xã Ea Drông; Hợp tác xã nuôi gà Minh Hạnh của phụ nữ xã Ea Siên...

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2010 - 2020, thị xã Buôn Hồ đã vận động nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường giao thông, công trình vệ sinh, thiết chế văn hóa, đầu tư phát triển sản xuất, chương trình giảm nghèo…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.