Giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về tố tụng hành chính tại UBND TP. Buôn Ma Thuột
16:34, 12/06/2020
Sáng 12-6, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về tố tụng hành chính đối với người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Theo báo cáo của UBND TP. Buôn Ma Thuột, trong giai đoạn được giám sát (từ 1-7-2016 đến 31-12-2019) chủ tịch UBND, UBND các cấp trên địa bàn thành phố đã ban hành 35.614 quyết định hành chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong đó, số vụ việc bị khiếu kiện liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND các cấp là 126 vụ.
|
Các đại biểu tham dự buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
|
Nội dung khiếu kiện hành chính chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cán bộ, công chức tham mưu ban hành quyết định hành chính nói chung và quyết định hành chính trong những lĩnh vực thường bị khiếu nại, khiếu kiện còn hạn chế; do biến động về chính sách đất đai qua từng thời kỳ, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện chính sách đền bù…
|
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lưu Văn Khôi phát biểu tại buổi làm việc
|
Tại cuộc họp, UBND TP. Buôn Ma Thuột đề nghị các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về một mối là cơ quan Tòa án; nghiên cứu xem xét cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính về tham gia giải quyết vụ án hành chính; bổ sung cơ chế cho phép trong trường hợp người bị kiện vắng mặt có thể được trả lời, giải trình các nội dung yêu cầu của cơ quan tố tụng bằng văn bản.
Đoàn giám sát đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột cần thực hiện nghiêm túc Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án, quyết định của Tòa án; xem xét trách nhiệm người đứng đầu và người có liên quan trong việc thi hành án hành chính.
|
Phó Chủ tịch HĐND TP. Buôn Ma Thuột Nguyễn Khắc Long nêu ý kiến tại buổi làm việc
|
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và cán bộ thi hành án cần chủ động đôn đốc thi hành án hành chính và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để người phải thi hành thông suốt về tư tưởng, tự nguyện và phối hợp trong việc thi hành nghĩa vụ của mình đối với bản án, quyết định của Tòa án.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc