Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng công tác phát triển đảng viên mới

10:17, 11/08/2020
Những năm qua, Đảng bộ huyện Krông Ana đã quan tâm chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng nhằm trẻ hóa đội ngũ đảng viên (ĐV), nỗ lực xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
 
Là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác phát triển ĐV của Đảng bộ huyện Krông Ana, từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ xã Băng Adrênh đã phát triển được 82 ĐV mới, nâng tổng số ĐV toàn xã lên 241 người; trong đó có 44 ĐV là người dân tộc thiểu số (DTTS).
 
Đạt được kết quả đó là do Đảng ủy xã đã thực hiện tốt nhiều giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhất là đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nhận thức rõ về Đảng và hiểu được ý nghĩa, niềm vinh dự khi đứng trong hàng ngũ của Đảng; phát triển ĐV trong lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội xuất ngũ; các chi bộ phân công ĐV kèm cặp, giúp đỡ, tạo điều kiện để quần chúng làm tốt nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực các phong trào; bồi dưỡng quần chúng ưu tú, nhất là ĐVTN, người DTTS để giới thiệu cho Đảng.
 
Bí thư Chi bộ buôn Cuê Y Blô Mlô tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào,  hoạt động tại địa phương.
Bí thư Chi bộ buôn Cuê Y Blô Mlô tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương.
Tiêu biểu nhất trong đó phải kể đến Chi bộ buôn Cuê hiện có số ĐV là người DTTS đông nhất xã với 17 đồng chí (chiếm 60,7% số ĐV của chi bộ). Là thanh niên ưu tú ở buôn Cuê được kết nạp Đảng cuối năm 2019, chị H’Grem Kbuôr vừa nỗ lực phát triển kinh tế gia đình vừa nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn, văn hóa văn nghệ, thể thao.
 
Chị H’Grem bộc bạch: "Là một trong những đảng viên trẻ của địa phương, tôi luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu, đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế đến người dân trong buôn, đặc biệt là ĐVTN với mong muốn thế hệ trẻ hôm nay vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.
 
Từ đầu năm 2016 đến tháng 6 - 2020, Đảng bộ huyện Krông Ana đã kết nạp được 696 ĐV mới, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm. Riêng các chi bộ buôn đồng bào DTTS kết nạp được 250 ĐV, trong đó có 101 ĐV là người DTTS.

Đảng bộ xã Dray Sáp cũng là đơn vị làm tốt công tác phát triển ĐV. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã kết nạp 85 ĐV mới, nâng tổng số ĐV toàn Đảng bộ đến nay là 285 đồng chí, trong đó có 53 đảng viên người DTTS, 11 ĐV là người có đạo. Số ĐV mới kết nạp có độ tuổi trung bình là 21, đa số trưởng thành từ phong trào hội, đoàn thể tại địa phương. 

Ông Ngô Minh Thân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dray Sáp cho biết: “Xác định nguồn phát triển ĐV chủ yếu trong các tổ chức đoàn thể, Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút ngày càng nhiều đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên có môi trường được rèn luyện, cống hiến và phấn đấu trưởng thành”.
 
Hiện nay, Đảng bộ huyện Krông Ana có 32 tổ chức cơ sở đảng gồm 13 đảng bộ và 19 chi bộ cơ sở, 178 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 3.261 ĐV.  Theo ông Trần Hữu Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, đội ngũ đảng viên tại địa phương đã phát huy tốt vai trò cầu nối, góp phần quan trọng trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
 
Nhờ bảo đảm chất lượng trong công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm kỳ qua, số tổ chức cơ sở đảng xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên đạt bình quân hằng năm 92,5%; đảng viên xếp loại “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên đạt bình quân 99,5%.
 
Vân Anh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.