14:03, 29/08/2020
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi cơ bản thống nhất với cấu trúc, nội dung trong dự thảo.
Bố cục dự thảo báo cáo chặt chẽ, logic; dung lượng vừa phải; nội dung trình bày toàn diện các lĩnh vực; các nhận định vừa khái quát được những kết quả nổi bật, vừa thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và phân tích làm rõ nguyên nhân. Phần đề xuất phương hướng, mục tiêu và các giải pháp cho nhiệm kỳ tới khá thuyết phục, mang tính khả thi cao, vừa có trọng tâm, đột phá, vừa cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm theo ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong mục III về nhiệm vụ, giải pháp, có giải pháp thứ tư về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và hệ thống chính trị”, tôi xin đóng góp ý kiến như sau: Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tôi nghĩ cần bổ sung thêm giải pháp, đó là đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị.
|
Một buổi thảo luận nhóm của học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị Đắk Lắk K20. Ảnh: Nguyên Hoa |
Học tập lý luận chính trị là công việc thường xuyên, lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần nghiên cứu, nắm vững các quan điểm của Đảng, trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện ở cấp mình, trong đó cần lưu ý đến việc lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức bồi dưỡng lý luận chính trị cho từng cấp, từng đối tượng sao cho phù hợp. Mặt khác, cấp ủy đảng các cấp cần nghiên cứu việc cử cán bộ, đảng viên tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhất là các chương trình trung cấp, cao cấp lý luận chính trị phải được xét duyệt chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn và nằm trong diện quy hoạch.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới của Đảng ta hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện ý thức tự giác, nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên đối với việc học tập lý luận chính trị, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Từ đó mỗi cán bộ, đảng viên sẽ có đủ năng lực bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung sắc bén, hiệu quả, đồng thời có đủ bản lĩnh, lập trường kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức.
ThS. Phạm Văn Dương
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk
Ý kiến bạn đọc