Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước
09:39, 20/08/2020
Ðồng chí Nguyễn Hải Ninh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ðắk Lắk:
Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, toàn diện, đưa ra mục tiêu với các số liệu tính toán có tính khả thi cao. Tuy nhiên, tôi thấy báo cáo còn khá dàn trải, thiếu điểm nhấn về các thành tựu đã đạt được. Phần mục tiêu chưa nêu rõ những nội dung mang tính đột phá, chiến lược cụ thể và những vấn đề gì cần phải tập trung khắc phục, tháo gỡ trong nhiệm kỳ tới.
Tây Nguyên là vùng chiến lược của nước ta về quốc phòng - an ninh, trong khi đó, Đắk Lắk lại là tỉnh chiến lược về cả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của Tây Nguyên. Khách quan mà nói, Đắk Lắk có rất nhiều khó khăn, thách thức. Nơi đây đã từng xảy ra vụ việc bạo loạn của đồng bào dân tộc thiểu số; là tỉnh có dân di cư tự do đến lớn nhất cả nước; kết cấu hạ tầng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn thiếu và yếu…
Để đạt được những thành tựu như ngày nay là rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh đã xác định được đúng hướng phát triển cho tỉnh, đã ban hành được các nghị quyết chuyên đề về xúc tiến đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và phát triển rừng... Đó là sự chỉ đạo năng động, quyết liệt, đầy sáng tạo của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó có vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt… So với đầu nhiệm kỳ (năm 2015), quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 1,52 lần; thu ngân sách năm 2014 chỉ ở ngưỡng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay xấp xỉ 8.000 tỷ đồng/năm...
Mặc dù vậy, theo tôi nhận thấy, một trong những hạn chế lớn nhất ở Đắk Lắk hiện nay chính là hạ tầng giao thông còn rất kém. Việc giao thương đi lại chủ yếu chỉ dựa vào đường bộ, trong khi hầu hết các tuyến đường còn nhỏ hẹp, xuống cấp, đèo dốc. Điều này đang kìm hãm đà phát triển, dù tỉnh có cố gắng nỗ lực thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ đến một giới hạn nhất định, không theo kịp với các tỉnh, thành khác và bắt kịp xu thế thời đại.
Vì vậy, Đắk Lắk muốn bứt phá đi lên thì giao thông phải đi trước một bước, đặc biệt phát triển được hạ tầng kết nối thuận lợi. Trong nhiệm kỳ mới này, Đắk Lắk cần tranh thủ mọi thời cơ, cơ hội để làm được tuyến đường cao tốc nối Buôn Ma Thuột với Nha Trang cũng như mở rộng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ khác. Khi giao thông thuận lợi thì các nhà đầu tư và khách du lịch sẽ tự tìm đến; việc giao thương, vận chuyển hàng hóa nông sản và đi lại thông thoáng sẽ tạo điều kiện để ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp… của tỉnh phát triển theo.
Một hạn chế nữa của Đắk Lắk là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay còn gọi là “chỉ số đánh giá, xếp hạng chính quyền cấp tỉnh về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh” còn thấp. Nhiều doanh nghiệp than vãn: Khi muốn tiếp cận đầu tư thì phải cầm hồ sơ đi đến hết sở này đến ban, ngành, địa phương nọ, chưa kể còn vướng nhiều thủ tục, cơ chế rườm rà khiến họ nản và không muốn đến.
Một vấn đề nữa là hiện nay, tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân với người dân, giữa người dân với các nông, lâm trường diễn ra khá phức tạp. Nếu tỉnh không có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này thì rất dễ xảy ra bất ổn về chính trị, an ninh trật tự ở địa phương.
Về mục tiêu trong thời gian tới, tôi cho rằng, Đắk Lắk muốn giàu mạnh thì phát triển công nghiệp, và muốn cho dân giàu bền vững thì phải phát triển được nông nghiệp và dịch vụ. Chỉ tiêu của tỉnh đưa ra đến năm 2025 công nghiệp - xây dựng chiếm 15% là khá khiêm tốn, chưa xứng tầm. Bởi chúng ta đang có lợi thế phát triển điện năng lượng tái tạo.
Nếu cuối năm nay, cụm dự án Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp giai đoạn 1 (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) với công suất 830 MWp (lớn nhất khu vực Đông Nam Á) đi vào hoạt động thì mỗi năm điện năng lượng mặt trời và điện gió quy mô lớn ở Đắk Lắk sẽ có tổng công suất trên 1.000 MWp. Vì vậy, cần phải tính toán lại tỷ lệ tăng trưởng về công nghiệp - xây dựng sao cho hợp lý, cao hơn.
Nói đến Đắk Lắk thì người ta nghĩ ngay đến cà phê, vì vậy tỉnh cần phải xác định đây là loại cây trồng mũi nhọn, mang tính bền vững và phát triển của tỉnh. Chúng ta đã xây dựng được thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, sản phẩm cà phê đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, kể cả thị trường khó tính. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc chế biến sâu, phải đặt vấn đề sản xuất theo quy hoạch vùng, tiêu chuẩn sạch, an toàn… để xuất khẩu.
Một giải pháp hết sức quan trọng là, muốn xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng thì y tế và giáo dục phải thực sự tốt nhất Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột phải là thành phố tập trung nhiều trường đại học lớn, các viện nghiên cứu; phải liên kết với những đại học y khoa và các bệnh viện lớn của cả nước để có các chuyên gia y tế, bác sĩ giỏi, nổi tiếng tới cùng tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân...
Lê Thành
(ghi)
Ý kiến bạn đọc