Multimedia Đọc Báo in

Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả (*)

Kỳ 3: Chăm lo toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

09:30, 23/08/2020

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách dân tộc. Kế thừa tư tưởng nhân văn ấy của Người, tỉnh ta triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cuộc sống mới trên những "cánh đồng chính sách"

Dự án khai hoang xây dựng cánh đồng 132 xã Cư Elang, huyện Ea Kar được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2341/QĐ-UBND, ngày 25-9-2018 với tổng diện tích trên 173 ha. Cánh đồng này đã mở ra cuộc sống mới cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS ở 2 xã Cư Ni và Cư Huê.

Ông Dương Văn Thừa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ea Kar cho biết, từ năm 2003, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 503/QĐ-NN về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán hạng mục công trình khai hoang giải quyết đất cho đồng bào DTTS tại chỗ vùng Ea Rớt, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) với diện tích 250,5 ha. Đến năm 2004, UBND huyện đã tiến hành tạm giao đất cho các hộ đồng bào DTTS tại 2 xã Cư Huê và Cư Ni sử dụng với tổng diện tích 237,6 ha. Sau khi nhận đất, các hộ có tổ chức sản xuất lúa nước được 1-2 vụ rồi bỏ hoang do điều kiện giao thông không thuận lợi, không đảm bảo nguồn nước tưới...

"Cánh đồng 755" ở xã Ea Uy, huyện Krông Pắc. Ảnh: Hương Xuân

Được khai hoang vào năm 2017 với diện tích 17,5 ha, cánh đồng 755 ở xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đã trở thành nơi mưu sinh của 100 hộ đồng bào DTTS số nơi đây. Bà H’Yer Knul, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc cho biết, để có được hơn 17 ha đất giải quyết đất sản xuất cho người dân theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt trong triển khai. Năm 2017, khi có được sự đồng thuận của người dân địa phương, công trình san ủi, phục hóa xây dựng cánh đồng bắt đầu được triển khai. Đến tháng 4-2018, công trình hoàn thành với tên gọi "Cánh đồng 755", tổng diện tích 17,2 ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất của 100 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất ở các buôn Hằng 1A, Hằng 1B, Hằng 1C, Đăk Rơ Leang 1 và Đăk Rơ Leang 2.

Đến năm 2016, công trình thủy lợi hồ Ea Rớt hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống kênh chính được đầu tư, đáp ứng nhu cầu tưới cho cánh đồng. Nhận thấy đây là thời cơ để “khởi động” lại cánh đồng, năm 2017, UBND huyện xây dựng lại đề án và tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao tại thực địa cho người dân. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng của huyện, gần 174 ha đất sản xuất lúa nước 2 vụ đã được cấp cho 448 hộ đồng bào DTTS tại chỗ xã Cư Ni và xã Cư Huê. Cánh đồng đã mang đến cuộc sống mới cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nơi đây như: gia đình chị H’Oanh ở buôn Pal (Cư Ni), anh Y Blênh Niê ở buôn M'Riu (Cư Huê), Y Dlem Niê, buôn Ea Knôp (Cư Ni)…     

Triển khai đồng bộ nhiều chính sách

Có thể khẳng định, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Các chính sách dân tộc được thực hiện kịp thời, minh bạch, phù hợp với nhu cầu của người dân.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, để hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2010 - 2019, toàn tỉnh đã huy động 22.729 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư, đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm trung bình 2%/năm, không còn hộ đói; cơ bản xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng.

Với nhiều chương trình, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, đến nay trên địa bàn tỉnh, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm và có điện lưới quốc gia; 97,2% thôn, buôn có điện; 98% hộ được dùng điện sinh hoạt. Toàn tỉnh đã giải quyết đất sản xuất cho 7.737 hộ đồng bào DTTS chưa có đất và thiếu đất sản xuất với diện tích 2.775,5 ha.

 

Bà H’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, riêng Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã được triển khai sâu rộng, đúng đối tượng, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 487 tỷ đồng, đến nay toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa được 1.157 công trình, bao gồm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, Quyết định 54/2012/QĐ-TTg về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất với các hộ DTTS đặc biệt khó khăn, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... cũng đã được các địa phương triển khai đồng bộ, qua đó tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Để thực hiện tốt các chính sách dân tộc trong thời gian tới, bà H’Yâo Knul cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước để đồng bào biết và tham gia giám sát quá trình thực hiện. Huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho thanh niên DTTS. Chú trọng công tác khuyến nông, hướng dẫn đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra cần biểu dương những tấm gương người DTTS tiêu biểu, đi đầu trên các lĩnh vực để nhân rộng các điển hình tiên tiến và nhân tố mới.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Tuổi trẻ tự hào học và làm theo lời Bác dạy

*Xem từ số báo ra ngày 20-8-2020

Lê Hương - Nguyễn Xuân

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.