Multimedia Đọc Báo in

Một số giải pháp để phát triển kinh tế và hạ tầng - xã hội

09:31, 23/08/2020

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đây gọi là Dự thảo) đã tổng hợp và trình bày một cách khá toàn diện những kết quả và hạn chế về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, từ đó đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở đi sâu phân tích thêm những chỉ tiêu chưa đạt về phát triển kinh tế và hạ tầng - xã hội của nhiệm kỳ 2015 - 2020, tôi xin đề xuất một số giải pháp để phát triển trong thời gian tới.

Về kinh tế

Nhiệm kỳ qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt thấp, chỉ đạt 2.948 triệu USD, bằng 78,3% kế hoạch; một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn gặp nhiều khó khăn về thị trường và khả năng cạnh tranh. Vì sao như vậy? Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tôi cho rằng, điểm mấu chốt ở đây là chất lượng một số mặt hàng chủ lực của tỉnh (chủ yếu là nông sản) chưa cao, chưa tạo ấn tượng và niềm tin cho nhà nhập khẩu.

Có thể thấy cùng mặt hàng đó, ở một số nước thì có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc, có cam kết chỉ tiêu chất lượng theo chuẩn quốc tế; thậm chí một số mặt hàng có chất lượng cao hơn nhưng giá thành lại thấp hơn nên làm cho khả năng cạnh tranh của chúng ta thấp và dần dần sẽ bị mất thị phần, mất thị trường xuất khẩu.

Cần hướng  đến sản xuất  nông nghiệp sạch,  hữu cơ, công nghệ cao  để gia tăng giá trị  xuất khẩu  cho nông sản.  (Trong ảnh:  Vườn dưa lưới  ứng dụng  công nghệ cao  của Công ty  Tinh Hoa Farm,  TP.Buôn Ma Thuột).      Ảnh: Cẩm Lai
Cần hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao để gia tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản. (Trong ảnh: Vườn dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Công ty Tinh Hoa Farm, TP.Buôn Ma Thuột). Ảnh: Cẩm Lai

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh cần thể hiện quyết tâm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao để tạo niềm tin, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành sản phẩm, thực hiện đúng và tốt các cam kết với nhà đầu tư và nhà nhập khẩu; đồng thời tăng cường truyền thông, quảng bá, xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế thông qua kênh của các bộ, ngành ở Trung ương và tham tán thương mại của các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

Nếu làm tốt các việc này thì giá trị xuất khẩu của tỉnh không những đạt 3.520 triệu USD/5 năm, bình quân đạt 704 triệu USD/năm như kỳ vọng của nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà còn có thể cao hơn nhiều, thậm chí trên 1 tỷ USD/ năm.

Dự thảo đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao; trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ đạt 22,22% tiêu chuẩn môi trường. Đánh giá này đã chỉ ra khâu yếu và “điểm nghẽn” trong đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh.

Có thể thấy rằng, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội qua, tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng vào phát triển công nghiệp nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Thiết nghĩ, nếu vậy, tỉnh không nên quá tập trung vào chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp, loay hoay tìm kiếm hướng đi trong khi chưa giải quyết một cách đồng bộ các yếu tố then chốt là: tầm nhìn quy hoạch, hạ tầng cụm - khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, vấn đề môi trường, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp; ngoài ra tỉnh cần cam kết tạo cơ chế thông thoáng, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đến đầu tư. Nếu làm tốt, đồng bộ, có hiệu quả các vấn đề này thì tự khắc ngành công nghiệp tỉnh sẽ mạnh lên, tăng trưởng khá, phát triển bền vững, đóng góp vào ngân sách của tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Ở lĩnh vực này, Đà Nẵng là một ví dụ (mặc dù không phải mọi việc đều làm tốt).

Về quy mô tái đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng bình quân 24,42%/năm, không đạt mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy một sự ngại ngùng, lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức, lĩnh vực tái đầu tư phát triển của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ đến, tỉnh phải làm sao kích thích doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tái đầu tư để tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá hiện hành) không những đạt 160 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,3% trong tổng GRDP như kỳ vọng mà còn có thể cao hơn nữa, bởi so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì 31,3% và tỷ trọng 160 nghìn tỷ đồng chưa phải là cao. Do đó, giá trị sinh lời mang lại chắc chắn cũng còn khiêm tốn. Ở đây, lĩnh vực du lịch là một kênh đầu tư tiềm năng, có thể giúp “bùng nổ” tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ đến. Vì vậy, tỉnh cần có những định hướng chiến lược trong lĩnh vực tiềm năng này cho nhiệm kỳ đến và hướng đến tầm nhìn cho nhiều nhiệm kỳ sau.

Về hạ tầng - xã hội

Hiện nay, hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn là một trong những hạn chế lớn. Đánh giá về mặt này, Dự thảo chỉ ra rằng: Tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường tỉnh, huyện và xã chưa đạt kế hoạch đề ra (đường tỉnh đạt 96,01%, đường huyện đạt 91,57%, mặc dù 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm nhưng đường xã mới đạt 64,96%); phấn đấu nhiệm kỳ tới thảm nhựa hoặc bê tông hóa 100% các tuyến đường tỉnh, 100% các tuyến đường huyện, 75% các tuyến đường xã và liên xã. Những con số này thực ra chỉ mới phản ánh mặt hình thức, bề ngoài; chất lượng của hệ thống đường giao thông của tỉnh mới là điều đáng bàn. Đi xuyên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện đến đường xã trên toàn tỉnh dễ dàng nhận thấy rằng, chỉ có các quốc lộ đi qua tỉnh là tương đối khá, một vài tỉnh lộ, đường huyện còn đi được, còn lại là chất lượng đường từ xấu đến rất xấu, gây hỏng hóc xe cộ, tai nạn nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Ngoài ra, hệ thống cầu cống trên các tỉnh lộ đến đường xã phần nhiều là đã xuống cấp; mọi hoạt động giao thương của tỉnh chủ yếu trên tuyến Quốc lộ 14 và 26 lấy TP. Buôn Ma Thuột làm trung tâm, đường liên huyện còn rất hạn chế khiến các huyện giáp nhau, gần nhau về mặt địa lý nhưng đi đến trung tâm nhau thì phải đi đường vòng rất xa. Vì thế, nhiệm kỳ đến tỉnh cần giải quyết một cách căn cơ “điểm nghẽn” này, phải xác định “hạ tầng đi trước” một bước, ưu tiên đầu tư hạ tầng, nhất là đường giao thông thì mới dẫn dắt, kích thích phát triển các lĩnh vực khác được. Ý tưởng về xây dựng tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang và tuyến giao thông kết nối liên vùng hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk nối các Quốc lộ 16, 25, đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông là bước khởi động giải quyết khó khăn về hạ tầng đường giao thông của tỉnh và liên tỉnh.

Phá rừng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, độ che phủ rừng chỉ đạt 38,74%, giảm 0,5% so với năm 2015, diện tích rừng trồng không đạt kế hoạch. Tình trạng phá rừng trái phép vẫn tiếp tục diễn ra; xử lý sai phạm trong việc để mất rừng, lấn chiếm đất rừng còn chậm. Từ đó tỉnh phấn đấu, tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) đến năm 2025 đạt 38,76%. Vì sao lại vẫn thấp như vậy? Bởi những năm 80, 90 của thế kỷ 20, tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên của toàn Tây Nguyên và Đắk Lắk là trên 50%, nay tính cả rừng trồng nữa thì độ che phủ vẫn chưa đạt 40% - một con số đáng buồn. Đó là chưa kể, ngày xưa chủ yếu là rừng già, cây gỗ lớn, gỗ quý; nay thì thưa thớt, đồi trọc. Chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải tái tạo lại rừng, bên cạnh đó tỉnh cần xử lý kiên quyết, triệt để, không có "vùng cấm" những cán bộ, cá nhân, tổ chức vi phạm công tác bảo vệ rừng; đồng thời hạn chế lấy đất rừng để làm rừng trồng và hạn chế trồng những cây gỗ làm nghèo đất rừng. Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm chính trị cao thì tỷ lệ che phủ rừng của Đắk Lắk nhiệm kỳ này sẽ vượt qua 40% và tạo tiền đề cho những nhiệm kỳ sau tăng tỷ lệ này lên, dần đưa Đắk Lắk trở về... “ngày xưa”.

TS. Ngô Khắc Sơn

Học viện Chính trị khu vực III

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.