Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đưa Krông Ana trở thành huyện phát triển khá của tỉnh

10:14, 11/08/2020
Qua 5 năm (2015 - 2020) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (NQ), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Ana đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu NQ đề ra.
 
Kinh tế của huyện tiếp tục duy trì phát triển, một số ngành và lĩnh vực có sự phát triển nhanh, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 9,6%. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện tích cực; các tiến bộ khoa học – công nghệ được chú trọng áp dụng vào sản xuất, cùng với việc tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)… đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp – lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
 
Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng bình quân hằng năm trên 3,8%. Đặc biệt, việc đăng ký chứng nhận nhãn hiệu nông sản của huyện được tích cực triển khai thực hiện, từng bước nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, hiện đang hoàn thiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu “Nấm Krông Ana”.
 
Thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) ngày càng phát triển.
Thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) ngày càng phát triển.
Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng phát triển nhanh, quy mô sản xuất không ngừng được nâng lên; ngành nghề, sản phẩm ngày càng đa dạng, nhất là công nghiệp chế biến. Đến nay, toàn huyện có 35 HTX, với 217 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ hơn 11,7 tỷ đồng và 3 tổ hợp tác, với 26 thành viên; tổng doanh thu hằng năm đạt gần 9,9 tỷ đồng.
 
Nhiệm kỳ qua, công tác thu ngân sách của huyện có nhiều cố gắng, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn trong 5 năm ước đạt khoảng 312,6 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 11,6%. Kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp và từng bước được hoàn thiện, phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
 
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đường huyện, đường nội thị đạt 100%; nhựa hóa và cứng hóa đường xã đạt 100%; 100% gia đình trong khu dân cư được sử dụng điện. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, ước đến cuối năm 2020, toàn huyện có 118/133 tiêu chí đạt chuẩn (đạt hơn 88%), tăng 34 tiêu chí so với năm 2015. Toàn huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 xã so với năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm 1 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 4 xã.
 
Huyện Krông Ana đặt mục tiêu đến năm 2025 sản lượng lương thực đạt 95.000 tấn, giá trị sản phẩm thu được/1ha (theo giá hiện hành) của ngành trồng trọt đạt 114,8 triệu đồng, ngành nuôi trồng thủy sản hơn 241 triệu đồng; giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2025 (theo giá hiện hành) đạt 112,8 triệu đồng...

Song song với phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Krông Ana còn chú trọng thực hiện các mục tiêu về văn hóa – xã hội. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nền nếp. Đến năm 2020, toàn huyện có 84% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; hơn 94,8% cơ quan được công nhận cơ quan văn hóa; hơn 82,4% thôn, buôn được công nhận thôn, buôn văn hóa. 

Công tác giảm nghèo được chú trọng thực hiện, với các giải pháp đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đồng thời kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân thoát nghèo. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo của huyện đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm gần 2,8% (NQ là 2,5%), riêng trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm gần 4,4%; đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn hơn 5%.
 
Công tác quốc phòng, an ninh thường xuyên được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, công tác tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Công tác xây dựng Ðảng được chú trọng trên cả bốn mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. 
 
Bí thư Huyện ủy Krông Ana Nguyễn Kính (giữa) cùng lãnh đạo các phòng, ban của huyện thăm công trình cầu vượt sông Krông Ana.
Bí thư Huyện ủy Krông Ana Nguyễn Kính (giữa) cùng lãnh đạo các phòng, ban của huyện thăm công trình cầu vượt sông Krông Ana.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng được nâng lên, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên và lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được giữ vững; bình quân hằng năm, Đảng bộ phát triển được 165 đảng viên mới.
 
Phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước và từ tình hình thực tế của địa phương, Đảng bộ huyện Krông Ana phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành một trong những huyện phát triển khá của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để khai thác, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 9,6%.
 
Giải pháp cụ thể đề ra là: quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho một số cây trồng; thu hút, khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến nông sản có thế mạnh của huyện như lúa gạo, cà phê, ca cao, nấm; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó đặc biệt quan tâm, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình nhà hàng, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí… Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực về văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường…
 
Nguyễn Kính
Bí thư Huyện ủy Krông Ana
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.