Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chương trình cán bộ xã kiêm bí thư chi bộ thôn ở Cư San

06:11, 04/09/2020

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã về sinh hoạt Đảng tại cơ sở và giữ chức bí thư chi bộ thôn là cách làm sáng tạo của cấp ủy xã Cư San (huyện M'Drắk). Cách làm này đã khắc phục được những hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn, chính trị của cán bộ cấp ủy ở thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đảng bộ xã Cư San hiện có 21 chi bộ trực thuộc với 139 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ thôn, 6 chi bộ trường học, 1 chi bộ quân sự, 1 chi bộ công an và 1 chi bộ y tế. Năm 2013, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cư San ra Nghị quyết thí điểm đưa 3 đồng chí là cán bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã về sinh hoạt Đảng tại cơ sở, chỉ định giữ chức danh bí thư chi bộ tại 3 thôn ghép: Chi bộ thôn Tăk Drung - Sông Chò; Chi bộ thôn Ea Krông - Ea Sanh và Chi bộ thôn 5 - thôn 6.

Người dân  xã Cư San tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Cư San tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư San Vũ Văn Kim, quyết sách trên nhằm bảo đảm quy định chức danh bí thư chi bộ có trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT. Bởi thực tế, Cư San là xã vùng sâu, có 99,8% dân số là dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều. Tại nhiều chi bộ, đảng viên không đạt được trình độ văn hóa như trên hoặc đảng viên đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng là đối tượng trẻ, năng lực điều hành còn hạn chế. Các đồng chí đảng viên là cán bộ xã, Ủy viên Ban Chấp hành đều có trình độ trung cấp lý luận chính trị, trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên mà bí thư chi bộ khối nông thôn khó đạt được. Mặt khác, việc kiêm nhiệm còn tạo điều kiện cho Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã sâu sát cơ sở để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung của Đảng.

Một mô hình trồng cây ăn trái của người dân Cư San.
Một mô hình trồng cây ăn trái của người dân Cư San.

Để quyết sách trên đi vào cuộc sống, cấp ủy xã Cư San đã thành lập ban chỉ đạo; tiến hành hội nghị mở rộng có sự tham dự của cán bộ, công chức, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã, các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn và đại biểu HĐND xã để quán triệt chủ trương thí điểm đưa cán bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã kiêm bí thư chi bộ thôn. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ xã còn họp bàn, thống nhất lựa chọn thôn khó khăn về nhân sự (như trình độ văn hóa, chính trị) để cử cán bộ kiêm bí thư chi bộ thôn. Trên cơ sở thực hiện kế hoạch xóa “trắng” đảng viên và xóa "ghép chi bộ" thôn, buôn, tổ dân phố của Đảng ủy huyện M'Drắk, đến nay Đảng ủy xã Cư San đã điều động 7 đồng chí là cán bộ, viên chức, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã về kiêm nhiệm chức bí thư chi bộ thôn (trong đó có 3 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, 2 đồng chí cán bộ xã và 2 đồng chí là giáo viên địa bàn).

Năm 2013, anh Triệu Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ xã Cư San, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, được chỉ định kiêm nhiệm Bí thư Chi bộ ghép thôn Tăk Drung - Sông Chò (nay là Chi bộ thôn Sông Chò). Ngay sau khi đảm nhận thêm vai trò Bí thư Chi bộ thôn, anh đã phát huy vai trò trong việc tập hợp, vận dụng linh hoạt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động đến với người dân một cách hiệu quả. Anh cũng dành nhiều thời gian về sinh hoạt tại thôn, đến từng gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh ở thôn, từ đó kiến nghị, đề xuất với Đảng bộ xã để có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là đối với các gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo.

Nhiệm kỳ 2017 - 2020,  Chi bộ thôn Sông Chò đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Nghị quyết Chi bộ đề ra; hằng năm 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 7%/năm. Chi bộ thôn Sông Chò nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, thôn đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu của xã và đi đầu trong các phong trào ở địa phương…

Thực tế cho thấy, cán bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã kiêm bí thư chi bộ chính là “cánh tay nối dài” của Đảng ở cơ sở. Quyết sách này tạo thuận lợi cho công tác tham mưu, thông tin báo cáo hai chiều, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, buông lỏng vai trò chỉ đạo của Đảng với chính quyền cơ sở.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.