Multimedia Đọc Báo in

Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk

18:45, 08/10/2020

Chặng đường lịch sử 80 năm hoạt động, xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (1940 - 2020) là cả một quá trình lãnh đạo, phấn đấu đầy gian khổ, thử thách, hy sinh với những thành tựu to lớn và thắng lợi vẻ vang, góp phần tô đậm những trang sử vàng của Đảng, của dân tộc. Từ những hạt nhân đầu tiên trong những ngày đầu thành lập Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột, đến nay Đảng bộ tỉnh đã có hơn 80.164 đảng viên và đã trải qua 16 kỳ Đại hội.

1.  Đại hội lần thứ I (tháng 8-1960):

Đầu năm 1960, để tăng cường sự lãnh đạo phong trào cách mạng ở các địa bàn phía Nam tỉnh Đắk Lắk, Liên khu ủy V quyết định chia tỉnh Đắk Lắk thành 4 đơn vị riêng: B3, B4, B5, B6, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh 4 và Liên khu ủy V[1]. Khu ủy tăng cường nhiều cán bộ lãnh đạo và lực lượng cho các đơn vị (B) ở phía Nam.

Tháng 8-1960, được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tỉnh Đắk Lắk triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I[2] (Hội nghị đại biểu được cấp trên chuẩn y như Đại hội) tại vùng căn cứ Cư Jú-Dliêya phía Bắc của tỉnh. Dự Đại hội có 50 đại biểu được bầu từ các huyện và các cơ quan của tỉnh.

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hồng Ưng (Vũ Anh Ba) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 12-1960, đồng chí Nguyễn Tuấn (Ama Đăng) làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Nguyễn Hồng Ưng nhận công tác khác.

2. Đại hội lần thứ II (Đại hội đại biểu Đảng bộ B3, tháng 8-1963; Đại hội đại biểu Đảng bộ B5, tháng 1-1965):

- Đại hội B3: Tháng 8-1963, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (B3) họp tại Ea Drăh, vùng căn cứ Cư Jú-Dliêya phía Bắc của tỉnh. Đại hội kiểm điểm tình hình lãnh đạo của tỉnh trong thời kì địch chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt và đề ra phương hướng nhiệm vụ trung tâm là phát động quần chúng phá kìm, phá ấp, giành lại quyền làm chủ vùng nông thôn. Đại hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ, khắc phục tư tưởng của một bộ phận đảng viên ngại gian khổ, co thủ rụt rè, tập trung cho công tác tiến công ra phía trước.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa II, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

- Đại hội B5: Tháng 1-1965, Hội nghị đại biểu Đảng bộ B5 họp tại Jiê Yuk (nay thuộc xã Đắk Phơi, huyện Lắk) được cấp trên chuẩn y như Đại hội. Đại hội kiểm điểm tình hình từ khi hợp nhất hai đơn vị B5, B6 và đề ra nhiệm vụ mới, trọng tâm là đẩy mạnh phát động quần chúng, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng nông thôn.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ B5 gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

3. Đại hội lần thứ III (tháng 7-1966):

Sau 5 năm chia tách thành các đơn vị B3, B4, B5, B6, tình hình và phong trào cách mạng của các đơn vị đã phát triển tương đối đều, vùng giải phóng được mở rộng và nối liền. Để thống nhất sự chỉ đạo trong toàn tỉnh, tháng 10-1965, Khu ủy V quyết định hợp nhất B3, B5 lại thành tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 7-1966, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III được triệu tập tại Ea Play, xã Đắk Tuôr (nay là xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vùng căn cứ phía Nam của tỉnh. Đại hội đánh giá những thắng lợi đã giành được trong năm 1965-1966, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ; đề ra những vấn đề trọng tâm cần nắm vững trong chỉ đạo kháng chiến.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa III, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

4. Đại hội lần thứ IV (tháng 4-1969):

Tháng 4-1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV họp tại buôn MNăng Dơng (nay thuộc xã Yang Mao, huyện Krông Bông), vùng căn cứ phía Nam của tỉnh. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là: chống bình định, giành và giữ dân vùng nông thôn; củng cố và mở rộng vùng giải phóng; phát triển thực lực cách mạng ở thị xã, thị trấn nhằm đánh bại căn bản kế hoạch bình định của địch trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Khóa IV, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5-1969, Thường vụ Khu ủy V quyết định điều động đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh) làm Bí thư Tỉnh uỷ thay đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên về Khu V nhận công tác mới.

5. Đại hội lần thứ V (tháng 10-1971):

Tháng 10-1971, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V họp tại buôn H’Ngô, xã Cư Đrăm (nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Krông Bông), vùng căn cứ phía Nam của tỉnh. Đại hội tổng kết các mặt hoạt động của Đảng bộ trong ba năm chống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và xác định nhiệm vụ công tác trước mắt là chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thực hiện thành công cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V gồm 31 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Cần được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

6. Đại hội lần thứ VI (tháng 9-1973):

Tháng 9-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI họp tại buôn Ea MDlan vùng căn cứ Cư Jú-Dliêya phía Bắc của tỉnh. Đại hội đề ra phương hướng và nhiệm vụ hoạt động trong thời gian tiếp theo là: Đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, kiên quyết đánh bại một bước quan trọng kế hoạch "bình định, lấn chiếm" của địch, mở rộng vùng giải phóng, làm chủ vùng tranh chấp, đưa phong trào vùng địch hậu lên một bước cao hơn, nhằm làm rối loạn hậu phương địch. Ra sức xây dựng thực lực cách mạng về mọi mặt; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chú trọng công tác cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ hoạt động hợp pháp. Tất cả những nhiệm vụ đó là nhằm tạo ra điều kiện và thời cơ sẵn sàng phối hợp chiến trường chung, tranh thủ giành thắng lợi cao hơn.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VI gồm 27 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Cần tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5-1975, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên được phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

7. Đại hội lần thứ VII (vòng 1 tháng 11-1976; vòng 2 tháng 6-1977):

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII (vòng 1) diễn ra từ ngày 12 đến ngày 21-11-1976 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 261 đại biểu đến từ 11 đảng bộ trực thuộc, đại diện cho hơn 12.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong thời gian Đại hội, các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III trình Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng; Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi). Đại hội đã bầu 10 đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, Ảnh:
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII. Ảnh: BTDL

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII (vòng 2) diễn ra từ ngày 13-6-1977 đến 19-6-1977, tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 252 đại biểu đại diện cho các đảng bộ trong toàn tỉnh. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ chung đến năm 1980 là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động để tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng. Xây dựng tỉnh Đắk Lắk thành một tỉnh có cơ cấu nông-lâm-công nghiệp, vững mạnh về chính trị, kinh tế, quốc phòng”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VII gồm 39 đồng chí, trong đó có 35 đồng chí là ủy viên chính thức, 04 đồng chí là ủy viên dự khuyết. Đồng chí Trần Kiên (Nguyễn Tài) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

8. Đại hội lần thứ VIII (tháng 11-1979):

Đại hội đại biểu Đảng bộ Đắk Lắk tỉnh lần thứ VIII diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10-11-1979, tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 351 đại biểu đến từ 16 tổ chức đảng bộ trực thuộc. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung trong những năm 1980-1981 là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí cách mạng tiến công, tinh thần tự lực tự cường, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, tập trung đẩy mạnh công cuộc xây dựng, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân; đẩy mạnh tấn công truy quét bọn phản động, tăng cường an ninh quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội; ra sức xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; tích cực đưa tỉnh ta tiến lên thành một tỉnh có nền công, nông, lâm nghiệp phát triển, làm tròn nghĩa vụ hậu phương và căn cứ cho cả nước và nghĩa vụ quốc tế được giao”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VIII gồm 43 đồng chí, trong đó có 40 đồng chí uỷ viên chính thức và 03 đồng chí ủy viên dự khuyết. Đồng chí Y Ngông Niê Kdăm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

9. Đại hội lần thứ IX (vòng 1 tháng 01-1982; vòng 2 tháng 3-1983):

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (vòng 1) diễn ra từ ngày 08 đến ngày 16-01-1982. Tham dự Đại hội có 366 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 7.500 đảng viên thuộc 19 Đảng bộ trực thuộc.

Đại hội đã thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá IV trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. Đại hội đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ V của Đảng gồm 13 đồng chí, trong đó có 01 đồng chí dự khuyết.

Các đại biểu về dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ IX.
Các đại biểu về dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ IX. Ảnh: BTDL

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (vòng 2) diễn ra từ ngày 05 đến ngày 09-3-1983. Tham dự Đại hội có 372 đại biểu chính thức đại diện cho gần 9.000 đảng viên của 20 đảng bộ trực thuộc trong tỉnh.

Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ trong 3 năm từ 1983-1985 là: “Phát huy mạnh hơn nữa quyền làm chủ của tập thể nhân dân lao động, tăng cường hơn nữa chuyên chính vô sản, động viên toàn Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hoá, trong đó cách mạng khoa học là then chốt, đẩy mạnh công cuộc xây dựng phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế công- nông- lâm nghiệp hợp lý. Tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại nền kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất có trọng điểm, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân và đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu. Kiên quyết đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng, nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu đánh bại mọi hành động xâm lược của kẻ thù, bảo vệ tổ quốc. Tiếp tục phát triển vững chắc sự nghiệp văn hoá - xã hội. Ra sức xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của tỉnh và làm tròn nghĩa vụ quốc tế được phân công”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa IX gồm 45 đồng chí, trong đó có 41 đồng chí là ủy viên chính thức và 4 đồng chí là ủy viên dự khuyết, đồng chí Y Ngông Niê Kdăm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

10. Đại hội lần thứ X (tháng 10-1986):

Từ ngày 9 đến ngày 14-10-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X được tiến hành tại thị xã Buôn Ma Thuột.

Tham dự Đại hội có 400 đại biểu chính thức, thay mặt cho hơn 10.000 đảng viên của  24 tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy. Đại hội quyết định phương hướng và nhiệm vụ trong những năm 1986 – 1991 của tỉnh là: “Nắm vững đường lối và các quan điểm cơ bản của Đảng, ra sức phấn đấu đến mức cao nhất với tinh thần tự lực, tự cường, tính năng động, sáng tạo, phát huy triệt để các nhân tố cách mạng nội tại, khai thác và huy động mọi tiềm năng, mọi nguồn dự trữ sẵn có để tạo ra một thay đổi to lớn trong tình hình mọi mặt của tỉnh, đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tỉnh phát triển với thắng lợi ngày càng to lớn hơn”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa X gồm 55 đồng chí (trong đó có 45 đồng chí  ủy viên chính thức, 10 đồng chí ủy viên dự khuyết), đồng chí Huỳnh Văn Cần được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

11. Đại hội lần thứ XI (Vòng 1 tháng 4-1991; vòng 2 tháng 1-1992):

- Từ ngày 22 đến 25-4-1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng I) được tiến hành tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 292 đại biểu chính thức, thay mặt cho 16.298 đảng viên thuộc 26 đảng bộ trực thuộc. Đại hội có góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII: Báo cáo chính trị; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000; Báo cáo sửa đổi điều lệ Đảng. Với tinh thần đổi mới, dân chủ, Đại hội đã sôi nổi thảo luận và thống nhất cao với các văn kiện đã trình bày. Đại hội bầu đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng gồm 15 đồng chí.

- Từ ngày 8 đến ngày 11-01-1992, tại thị xã Buôn Ma Thuột, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 2) được tiến hành. Tham dự Đại hội có 292 đại biểu chính thức, thay mặt cho 16.509 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong những năm 1991 – 1995 là: “Phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết toàn Đảng bộ, quân dân các dân tộc trong tỉnh, quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách trong vài năm đầu, ổn định chính trị, cố gắng tự cân đối đáp ứng được nhu cầu tiền vốn, vật tư, giữ vững sản xuất, tạo thế chủ động và tranh thủ vốn đầu tư từ bên ngoài để phát triển nhanh hơn ở những năm sau nhằm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bước đầu tạo được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, góp phần kìm chế và đẩy lùi lạm phát, củng cố và giữ vững quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI gồm 47 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Văn Cần tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến giữa nhiệm kỳ đồng chí Huỳnh Văn Cần được Trung ương điều động nhận nhiệm vụ khác, đồng chí Ama Pui (Y Liă Mjâo) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

12. Đại hội lần thứ XII (tháng 5-1996):

Từ ngày 7 đến ngày 10-5-1996, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đảng bộ tỉnh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XII. Tham dự Đại hội có 292 đại biểu, thay mặt cho hơn 17.000  đảng viên của 26 đảng bộ trực thuộc. Đại hội xác định phương hướng và mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm từ 1996-2000 là: “Tăng cường khối đoàn kết nhân dân các dân tộc, phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng, ý chí tự lực tự cường, khơi dậy các nguồn lực trong tỉnh kết hợp với mở rộng hợp tác kinh tế với bên ngoài để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao đời sống và dân trí, thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh biên giới và tăng cường khả năng phòng thủ. Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh thoát ra tình trạng là một tỉnh nghèo, chuẩn bị điều kiện để phát triển nhanh hơn vào những năm đầu thế kỷ XXI”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa XII gồm 49 đồng chí, đồng chí Mai Văn Năm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đến tháng 9-1999, Trung ương điều động đồng chí Mai Văn Năm nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Nguyễn An Vinh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

13. Đại hội lần thứ XIII (từ ngày 31-1 đến ngày 02-02-2001):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII diễn ra từ ngày 31-1-2001 đến ngày 02-2-2001 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 397 đại biểu của 24 đảng bộ trực thuộc đại diện cho hơn 27.930 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm từ 2001-2005 là: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và ổn định trên cơ sở phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng to lớn của địa phương, kết hợp với việc tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài, tăng cường hợp tác đầu tư, từng bước mở rộng thị trường nước ngoài, tiếp tục phát triển mạnh nông sản xuất khẩu đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó trọng tâm là công nghiệp chế biến nông-lâm sản. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với môi trường, thực hiện tốt các vấn đề xã hội; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị vững mạnh.

Phấn đấu đến năm 2010 đưa Đắk Lắk trở thành một tỉnh có kinh tế phát triển đạt mức trên trung bình của cả nước; có nền văn hóa tiên tiến và giữ được bản sắc dân tộc; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa XIII gồm 47 đồng chí , đồng chí Y Luyện Niê Kdăm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

14. Đại hội lần thứ XIV (tháng 12-2005):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV được tiến hành từ ngày 12-12-2005 đến ngày 14-12-2005 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 299 đại biểu đại diện cho gần 32.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội xác định phương hướng trong 5 năm 2006-2010: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khắc phục mọi khó khăn thách thức, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng để tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá, phát triển đô thị và nông thôn. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh và bền vững. Gắn phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phát triển văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng- an ninh”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV gồm 48 đồng chí, đồng chí Niê Thuật được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

15. Đại hội lần thứ XV (tháng 10-2010):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 được tiến hành từ ngày 1 đến ngày 3-10-2010 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 299 đại biểu, đại diện hơn 46.300 đảng viên trong toàn Đảng bộ. 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XV ra mắt Đại hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XV ra mắt Đại hội. Ảnh: BTDL

Đại hội xác định phương hướng trong 5 năm 2010-2015: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ gắn với sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự - an toàn xã hội. Xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên và đóng vai trò quan trọng đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV gồm 55 đồng chí. Đồng chí Niê Thuật tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9-2015, đồng chí Niê Thuật được Trung ương điều động về làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Êban Y Phu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

16. Đại hội lần thứ XVI (tháng 10-2015):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 được tiến hành từ ngày 12 đến ngày 14-10-2015 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Dự Đại hội có 352 đại biểu đại diện cho 64.358 đảng viên toàn Đảng bộ.

Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong những năm 2015-2020 là: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, duy trì trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, tạo nền tảng để sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên”.

Toàn cảnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: Hoàng Gia
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: Hoàng Gia

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 56 đồng chí. Đồng chí Êban Y Phu tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 7-2019 đến nay, Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Êban Y Phu nghỉ hưu.

Báo Đắk Lắk Điện tử

 

[1]B3 (Bắc Đắk Lắk) bao gồm 4 huyện: M’Đrắk, đông Cheo Reo, tây Cheo Reo và Buôn Hồ.

- B4 (Quảng Đức) gồm các huyện Đắk Mil, Đức Xuyên của Đắk Lắk và Khiêm Đức, Kiến Đức của Lâm Đồng và Phước Long. Đồng chí Hồng Ưng làm Bí thư Ban Cán sự.

- B5 gồm huyện Lắk và một số vùng bắc Lạc Dương, Đức Trọng, một số làng thuộc Đức Xuyên và một số làng nam đường 21, đồng chí Đào Tấn Ngoạn làm Bí thư Ban cán sự.

- B6 gồm có 3 huyện nông thôn (ven thị xã) và thị xã Buôn Ma Thuột, hai huyện Bắc và Nam thị xã với mật danh K61, K62. Một huyện Tây Thị xã gọi là K63 gồm toàn bộ phía Bắc và phần lớn phía Nam huyện Đắk Mil (Đức Lập). Thị xã Buôn Ma Thuột (chủ yếu là nội thị) gọi là K64.

[2] Trước Đại hội lần thứ I, Đắk Lắk chưa thực hiện chủ trương chia tách các B.

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.