Chia sẻ những giải pháp cho chặng đường phát triển mới
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiều đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
°Đồng chí H’Kim Hoa Byă,Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:
Tiếp tục mở rộng và đa dạng các hình thức vận động, tập hợp, phát huy sức dân
Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã và đang tích cực đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, thường xuyên tuyên truyền, vận động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Trong đó, tập trung hướng mạnh hoạt động về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân cùng tham gia; đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ tổ chức các hoạt động an sinh xã hội…
Để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm với nhân dân, trọng tâm là tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị và có nhiều sáng kiến tham gia góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền, xây dựng quê hương trong thời gian tới; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”; tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Đắk Lắk với nhân dân nước láng giềng; vận động kiều bào hướng về, đầu tư xây dựng quê hương.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp đổi mới sáng tạo nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân tộc, tôn giáo; phát huy tối đa vai trò của các nhân sĩ trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo làm hạt nhân trong tuyên truyền, vận động, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp chính quyền, các ban, ngành mạnh dạn tiếp thu, khắc phục và trả lời những ý kiến góp ý, kiến nghị đề xuất hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức, cơ chế quan hệ công tác giữa cơ quan MTTQ các cấp với các cơ quan Đảng, chính quyền, các ban, ngành trong tỉnh.
°Đồng chí Trần Tuấn Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy:
Đổi mới, hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều
Thời gian qua, công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh được triển khai, thực hiện tương đối đồng bộ về các quy trình đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng và thực hiện chính sách nên chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là với lãnh đạo, quản lý các cấp không ngừng được nâng cao, cơ bản khắc phục tình trạng hẫng hụt, bị động nguồn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thì đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh vẫn còn những hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là cấp cơ sở. Một số địa phương, đơn vị còn biểu hiện tư tưởng bố trí cán bộ khép kín, cục bộ, bản vị và không đúng theo quy hoạch, sở trường của cán bộ; việc quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa đầy đủ, nên còn có những cán bộ, đảng viên có ý thức tổ chức kỷ luật kém, dễ bị cám dỗ dẫn đến sai phạm…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên trong công tác cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tích cực đổi mới, hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, toàn diện, khách quan đối với từng vị trí công tác; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tế nguồn cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn của mỗi đơn vị; đổi mới công tác luân chuyển cán bộ đi đôi với việc đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và khả năng phát triển của mỗi cán bộ; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới cách thức tuyển, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm cán bộ để chọn đúng người, bố trí đúng việc. Kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác chúng ta cũng cần đổi mới, hoàn thiện chính sách cán bộ, bảo đảm lợi ích vật chất và động viên tinh thần cho từng đối tượng; thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình, nhằm phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật những cán bộ, công chức sai phạm…
°Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:
Tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng
Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điều kiện, tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống nhân dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang thực hiện quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Sau hơn 30 năm đổi mới, nhờ sự đặc biệt quan tâm cho đầu tư phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng của Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã xây dựng quy hoạch chung cho 16 đô thị và 2 trung tâm huyện lỵ; phê duyệt xong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cho 152/152 xã. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển theo quy hoạch, cơ bản đồng bộ, thông suốt. Ngành điện đã cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng thương mại và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp… Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm chủ động đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cụ thể là tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên nguồn lực đầu tư để TP. Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả, tiếp tục rà soát các công trình chậm giải phóng mặt bằng để có biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch và các quy định có liên quan; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường thế trận phòng thủ trên tuyến biên giới...
°Đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT:
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng
Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung rà soát, định hướng các vùng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, thế mạnh của địa phương vào sản xuất. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, chế biến, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững có chứng nhận tiêu chuẩn sạch, an toàn. Tăng cường phát triển đa dạng hóa, xen canh cây trồng, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất. Xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản gắn với phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)… Do vậy, những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh phát triển khá toàn diện và có nhiều đột phá.
Sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương đã được xác định và từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại; đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp, gắn theo chuỗi giá trị đã phát huy hiệu quả, bền vững. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực, từ coi trọng về số lượng sang chú trọng về chất lượng và giá trị, sản xuất gắn với thị trường; đã ứng dụng được khá nhiều các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới… Có sự dịch chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp có chiều hướng tăng. Lâm nghiệp truyền thống chuyển dần sang lâm nghiệp xã hội. Kinh tế hợp tác phát triển khá cả về số lượng và quy mô sản xuất; bước đầu hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn bình quân 5,64%/năm (gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước). Đến nay, thủy lợi đã và đang phát huy hiệu quả khai thác đảm bảo tưới chủ động cho cây trồng đạt 82% (tăng 5,7% so với năm 2015); tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% (tăng 9,5%); giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 112 triệu đồng/ha (cao gấp 1,37 lần so với năm 2015); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 40,1% (tăng 35,5%)…
lĐồng chí Nguyễn Thị Tường Loan, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Buôn Ma Thuột:
Cần những cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột
Tháng 11-2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện, TP. Buôn Ma Thuột đã có nền kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đạt 9,5%, chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, quy mô nền kinh tế tăng gấp hai lần so với năm 2010; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 10 năm đạt trên 75.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt mức 96 triệu đồng/năm, tăng gần 4 lần so với năm 2009; xây dựng 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển kinh tế của thành phố chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên. Do đó, để xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột sớm thật sự trở thành đô thị trung tâm của vùng, thời gian tới, thành phố cần sự quan tâm hơn nữa của Trung ương và tỉnh Đắk Lắk về nguồn lực, cũng như có những cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố.
Cụ thể, hằng năm dành riêng một khoản kinh phí để thực hiện đền bù, sắp xếp, thu hồi những diện tích bị lấn chiếm, đã giao đất, cho thuê đất sắp hết thời hạn, tạo ra những mặt bằng, quỹ đất sạch; xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thủ tục đầu tư thuận tiện, nhanh gọn… để mời gọi các doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất để phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số...
Cùng với đó, để xây dựng TP. Buôn Ma Thuột mang đậm nét bản sắc riêng của Tây Nguyên, thời gian tới TP. Buôn Ma Thuột sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: trồng mới, bổ sung và thay thế dần cây xanh gắn với việc chỉnh trang đô thị, các hoa viên, công viên, rừng cảnh quan và các tuyến đường; thu hồi, gìn giữ, cải tạo, chỉnh trang các dòng suối, các hồ nước trong thành phố; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; phục dựng những nghi lễ, lễ hội có giá trị; sưu tầm, lưu giữ các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống; có chính sách cải tạo, phục hồi, gìn giữ các nghề truyền thống, các bến nước, nhà dài…
Nhóm PV (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc