Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố

07:51, 12/10/2020

Tính đến ngày 30-9-2020, Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc (trong đó có 15 đảng bộ huyện, thành phố, thị xã; 1 đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; 3 đảng bộ lực lượng vũ trang và 1 đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Nguyên), 701 tổ chức cơ sở đảng (409 đảng bộ và 292 chi bộ) với 5.371 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 12 đảng bộ bộ phận.

Toàn tỉnh hiện có 80.164 đảng viên; trong đó có 34.306 đảng viên sinh hoạt ở 2.479 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố (1.558 chi bộ thôn, 600 chi bộ buôn, 321 chi bộ tổ dân phố). Đổi mới, nâng cao chất lượng chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở hiện nay.

Những năm qua, các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh luôn duy trì tốt nền nếp sinh hoạt đảng theo quy định, chất lượng sinh hoạt ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt cao hơn, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết chi bộ; nội dung sinh hoạt chi bộ cơ bản bám sát nhiệm vụ chính trị và đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hình thức sinh hoạt chuyên đề đã phát huy tác dụng trong thảo luận quyết định những nội dung lãnh đạo của chi bộ phù hợp với yêu cầu thực tế ở thôn, buôn, tổ dân phố, phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của mỗi đảng viên. Việc điều hành sinh hoạt chi bộ từng bước được bảo đảm đúng quy định theo hướng dân chủ và công khai…

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).    Ảnh: Nguyễn Xuân
Một buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Xuân

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: một số chi bộ sinh hoạt chưa bám sát theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và định hướng của đảng ủy xã; đảng viên trẻ ít tham gia phát biểu ý kiến; một số nơi chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng của đảng viên, còn nể nang, né tránh. Một số chi bộ còn lúng túng trong việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban chi ủy chuẩn bị sinh hoạt chi bộ, nội dung các buổi sinh hoạt còn chung chung, chưa có nghị quyết chuyên đề để giải quyết các vướng mắc và bức xúc; một số nơi hình thức sinh hoạt đơn điệu, việc ghi biên bản, nghị quyết của chi bộ còn chưa thống nhất, thiếu khoa học; việc điều hành của bí thư chi bộ còn yếu, nhiều nơi sinh hoạt không có chương trình rõ ràng hoặc không làm chủ được diễn biến cuộc họp. Những hạn chế này nếu không được khắc phục sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do đội ngũ cấp ủy của các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố phần lớn tuổi cao, sức khỏe hạn chế, cập nhật thông tin, kiến thức mới về công tác đảng chưa kịp thời; chế độ phụ cấp cho cấp ủy hiện nay chưa hợp lý; một số chi ủy và nhiều đảng viên chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của sinh hoạt chi bộ và sự cần thiết nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; sự hướng dẫn và kiểm tra của một số cấp ủy đối với chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa thường xuyên, liên tục.

Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, thiết nghĩ cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chi ủy, nhất là bí thư chi bộ, đảng viên của các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố về đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cần lựa chọn những nội dung sinh hoạt chi bộ sát thực tế, thiết thực, hiệu quả, hình thức sinh hoạt phù hợp với nội dung. Trên cơ sở sự chỉ đạo, hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng của đảng ủy xã, chi ủy, chi bộ cần bám sát thực tiễn ở cơ sở để xác định nội dung sinh hoạt chi bộ, bảo đảm nội dung thiết thực với đặc thù của từng thôn, buôn, tổ dân phố.

Một giải pháp quan trọng nữa là cần bồi dưỡng nâng cao trình độ và nghiệp vụ công tác đảng cho chi ủy, nhất là bí thư, phó bí thư chi bộ thôn bởi đây là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định đến chất lượng sinh hoạt của chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố. Cùng với đó là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong Kế hoạch 79-KH/TU, thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, buôn, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận…; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chi ủy, các thành viên của ban công tác mặt trận thôn trong xây dựng nghị quyết chi bộ; giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo cơ sở thực tiễn để chi bộ đánh giá các hoạt động đề ra chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt việc phân công, phân nhiệm, tổ chức thực hiện, làm gương, làm mẫu, cùng làm với dân và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của chi bộ. Đồng thời, cấp ủy cấp trên cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và động viên kịp thời. Để làm được như vậy, cấp ủy cấp trên cần có kế hoạch tham dự sinh hoạt định kỳ với các chi bộ, giúp các chi bộ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

Nội dung sinh hoạt chi bộ cần đổi mới theo hướng phải gắn với việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc và đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đông đảo người dân; tăng cường phối hợp giữa bí thư chi bộ với ban tự quản và các tổ chức đoàn thể để chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ.

Lê Năng Hảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.