Multimedia Đọc Báo in

Những dấu mốc của ngành Dân vận Đắk Lắk giai đoạn 1975 – 2020

09:06, 15/10/2020
Ngày 25-9-1975, Thường vụ Khu ủy Khu V ra quyết định chuyển hai huyện H2 và H3-7 sang tỉnh Gia Lai, sáp nhập tỉnh Quảng Đức vào tỉnh Đắk Lắk; đồng thời chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 31 đồng chí.
 
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (sau khi hợp nhất tỉnh) đã tạm thời sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh. Theo chủ trương này, Ban Dân vận được tổ chức lại bao gồm các đoàn thể: Tỉnh Đoàn thanh niên; Tỉnh Hội phụ nữ; Liên hiệp Công đoàn; Nông hội và Ủy ban Mặt trận tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư, tháng 6-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Dân vận - Mặt trận tỉnh.

Tháng 10-1977, Ban Dân vận - Mặt trận tỉnh tổ chức Đại hội Mặt trận lần thứ V, ra nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh (thay Mặt trận Dân tộc Giải phóng). Sau đó, các đoàn thể thuộc khối Dân vận đã lần lượt củng cố và tiến hành đại hội. Dưới sự chỉ đạo của Ban Dân vận - Mặt trận, các đoàn thể đã tập trung nỗ lực vận động nhân dân hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện 3 cuộc cách mạng ở nông thôn; thi đua “vươn lên hàng đầu giành 5 mục tiêu”: Xóa sạch bọn phản động có vũ trang Fulrô; thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; xóa mù chữ và tham gia xây dựng chính quyền. Đồng thời, công tác dân vận – mặt trận những năm đầu sau giải phóng cũng đã chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới.

Ngày 17-3-1981, do yêu cầu của tình hình mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giải thể Ban Dân vận - Mặt trận cấp tỉnh để thành lập Ban Dân vận và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tách ra khỏi Ban Dân vận - Mặt trận và kiện toàn lại trên cơ sở mở rộng các thành viên và tổ chức thành viên. Ban Dân vận Tỉnh ủy được củng cố lại với nhiệm vụ: tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo công tác vận động quần chúng; chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác chính trị - tư tưởng, mở rộng các hình thức sinh hoạt dân chủ để nâng cao nhận thức cho quần chúng; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và phát động phong trào thi đua yêu nước trong các ngành, các giới.

Đồng chí Trương Thị Mai (thứ ba từ trái sang), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương  và các đồng chí lãnh đạo tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận khối MTTQ năm 2019 tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.
Đồng chí Trương Thị Mai (thứ ba từ trái sang), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận khối MTTQ năm 2019 tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 9-1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Ban Dân vận. Trên lĩnh vực công tác dân tộc, Ban Dân vận đã triển khai nghiên cứu, đề xuất với HĐND và UBND tỉnh ban hành một số chủ trương, chính sách nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về công tác giao đất giao rừng, hỗ trợ vốn, giống cây trồng vật nuôi; đôn đốc thực hiện các chính sách, chế độ về giáo dục, y tế; đẩy mạnh vận động định canh định cư trong vùng dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, năm 1989, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định giải thể Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tuy nhiên, hơn một năm sau, do tình hình chính trị - xã hội có nhiều vấn đề phức tạp, Nghị quyết 8B của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân” ra đời đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường công tác dân vận. Tháng 12-1990, Ban Dân vận Tỉnh ủy được thành lập lại.

Sau Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6-1991) công tác dân vận tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (tháng 6-1992) đã yêu cầu kiện toàn lại Ban Dân vận từ Trung ương đến cấp huyện. Đến năm 1995, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã được kiện toàn lại; hệ thống dân vận cấp huyện lần lượt hình thành trở lại. Một trong những công tác trọng tâm của Ban Dân vận những năm này là giúp Tỉnh ủy tổng kết, đánh giá Nghị quyết 24 về tôn giáo và Nghị quyết 25 về thanh niên; chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác vận động đồng bào có đạo; thúc đẩy hơn nữa phong trào người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và vận động thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh.

Sau vụ bạo loạn tháng 2-2001 và tháng 4-2004, bọn phản động Fulrô và các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt. Trong bối cảnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo công tác phát động quần chúng, phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ, kết nghĩa với buôn làng, tập trung xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở, chuyển trọng tâm hoạt động của các đoàn thể xuống địa bàn dân cư để nắm dân. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì thành lập các đội công tác phát động quần chúng bám cơ sở, cùng với Mặt trận và đoàn thể tăng cường nghiên cứu, giám sát, kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; đồng thời triển khai nhiều chương trình hoạt động thiết thực, hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị - xã hội của tỉnh.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành các nghị quyết: số 23-NQ/TW về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; số 24-NQ/TW  về “Công tác dân tộc”; số 25-NQ/TW về “Công tác tôn giáo”. Để cụ thể hóa quan điểm, tư tưởng của Đảng, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp triển khai thực hiện các chương trình về công tác dân tộc, tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ban Dân vận Huyện ủy Ea Kar cùng cấp ủy,  ban tự quản  buôn M'Oa,  xã Cư Huê tìm hiểu  tình hình phát triển  kinh tế của  người dân  trong buôn.  Ảnh: Nguyễn Xuân
Ban Dân vận Huyện ủy Ea Kar cùng cấp ủy, ban tự quản buôn M'Oa, xã Cư Huê tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế của người dân trong buôn. Ảnh: Nguyễn Xuân

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Dân vận các cấp đã tích cực tham mưu cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác dân vận.

Cùng với việc phát huy vai trò, vị trí, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác dân vận trong tình hình mới, hệ thống Dân vận các cấp không ngừng được kiện toàn, củng cố. Ngoài hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở, để nắm chắc tình hình nhân dân ở cơ sở, tăng cường công tác vận động quần chúng, tỉnh còn thành lập hệ thống đội công tác phát động chuyên trách các cấp. Công tác dân vận ngày càng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy được vai trò, chức năng tham mưu về công tác vận động quần chúng; nghiên cứu, đề xuất nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của nhân dân. Qua công tác thực tiễn, đội ngũ cán bộ dân vận thường xuyên được rèn luyện về quan điểm quần chúng, thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc, gắn bó với nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.