Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ thị xã Buôn Hồ: Tự hào trang sử vẻ vang

09:07, 23/11/2020

Trải qua những giai đoạn lịch sử trong suốt hành trình 72 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Buôn Hồ (tiền thân là Ban Cán sự Đảng Buôn Hồ) đã lãnh đạo nhân dân trên địa bàn tiếp nối truyền thống anh hùng, đưa Buôn Hồ vượt qua khó khăn thử thách, vững tin tiến lên phía trước.

Sáng mãi trang sử vàng

Trong chặng đường 80 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có một phần đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc thị xã Buôn Hồ. Vào tháng 10-1948, Ban Cán sự Đảng Buôn Hồ được thành lập, là tổ chức Đảng đầu tiên và là tiền thân của Đảng bộ Buôn Hồ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Buôn Hồ (tức H4) là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ nên bị địch đàn áp dữ dội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Cán sự Đảng Buôn Hồ, nhân dân Buôn Hồ đã kiên cường đấu tranh lần lượt làm thất bại chính sách tố cộng và diệt cộng của Mỹ Diệm (1955 - 1960), dấy lên cao trào Đồng khởi giành quyền làm chủ nông thôn, đỉnh cao là cao trào Đồng khởi phá kềm 1961 - 1962, tấn công và nổi dậy phá ấp, giải phóng dinh điền, mở rộng vùng nông thôn làm chủ 1964 - 1965.

Không chỉ thế, có những thời điểm khốc liệt, địch tập trung mọi tiềm lực và sức mạnh quân sự, chính trị để thực hiện âm mưu “bình định cấp tốc” “bình định nước rút”, “bình định đặc biệt”, hòng thực hiện “tát nước bắt cá”, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn, tạo nên những vành đai trắng để thẳng tay kiềm tỏa nhân dân trong các khu dồn và ấp chiến lược. Nhưng vượt lên trên mọi hy sinh, tổn thất nặng nề, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Buôn Hồ đã bền bỉ đấu tranh, làm nên những chiến công vang dội, xứng đáng ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh: tham gia vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đánh bại chương trình bình định cấp tốc của Mỹ - ngụy 1969 - 1972...

Các đồng chí lão thành cách mạng chia sẻ những thông tin về lịch sử Đảng bộ Buôn Hồ.  Ảnh: T.Hồng
Các đồng chí lão thành cách mạng chia sẻ những thông tin về lịch sử Đảng bộ Buôn Hồ. Ảnh: Thúy Hồng

“Có được những thắng lợi vẻ vang đó, quân và dân các dân tộc Buôn Hồ đã phải chịu biết bao tổn thất, hy sinh, mất mát. Ngày 12-3-1975, Buôn Hồ được giải phóng, cùng với quân dân cả tỉnh, cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân thị xã Buôn Hồ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng và tinh thần chủ động, sáng tạo trong đấu tranh cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng chính quyền nhân dân, nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của tỉnh Đắk Lắk”, ông Y Per Niê, nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Búk, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy H4, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông khẳng định. 

Viết tiếp truyền thống hào hùng

Ông Nguyễn Như Thạch – nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Búk nhớ lại, sau giải phóng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Buôn Hồ vừa phải khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh giải quyết vấn đề Fulrô vừa thực hiện định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc. Khó khăn bộn bề không làm nản lòng những con người đã từng dũng cảm đánh đuổi, chiến thắng quân xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bà con đồng lòng hiệp sức vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.

Thực hiện Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 23-12-2008, thị xã Buôn Hồ được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới huyện Krông Búk. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 5460-QĐ/TU, ngày 16-4-2009 về thành lập Đảng bộ thị xã Buôn Hồ có 19 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) với 1.357 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc thị xã Buôn Hồ đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, Đảng bộ thị xã có 32 TCCSĐ, với 3.512 đảng viên, 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ và đảng viên là người tại chỗ; 100% trường học công lập, trạm y tế có chi bộ đảng.

Thị xã Buôn Hồ hôm nay. Ảnh: H.Tuyết
Thị xã Buôn Hồ hôm nay. Ảnh: Hoàng Tuyết

Đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã thời gian qua, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ Y Vinh Tơr chia sẻ: “Kinh tế thị xã liên tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 12,51%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư, huy động, sử dụng hiệu quả cả nguồn lực công và nguồn lực xã hội, bước đầu tạo nên diện mạo mới ở cả đô thị và nông thôn; đặc biệt công cuộc xây dựng nông thôn mới tạo sự đồng thuận và phong trào quần chúng mạnh mẽ, phấn đấu đến cuối năm 2020 có 5/5 xã về đích. Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 4,73%. Việc xây dựng đời sống văn hóa, phát triển thể dục - thể thao, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa được quan tâm thực hiện tốt".

Thúy Hồng – Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.