Góp ý Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh:
Phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện tình hình đất nước, đặc biệt là đánh giá đầy đủ kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và tổng kết thành tựu sau 35 năm đổi mới.
Nhìn lại 35 năm qua, đất nước đã chuyển đổi toàn diện về thực chất, từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó khẳng định, đường lối đổi mới của Đảng rất đúng đắn. Nhân dân đã tin theo Đảng, làm theo đường lối đổi mới, hợp quy luật, hợp lòng dân và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như văn kiện đã nêu.
Có thể khẳng định, cùng với những vấn đề mang tầm chiến lược, vấn đề chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng như xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện khá đậm nét trong Văn kiện trình Đại hội lần này, bao gồm cả đoàn kết trong nước, đoàn kết kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đó là một đánh giá đúng đắn để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong thực hiện công cuộc đổi mới cũng như thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng đề ra.
Trong những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Với việc ban hành và tổ chức hiệu quả nhiều chính sách dân tộc đã hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk, với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, nên vấn đề làm thế nào để cân bằng sự phát triển giữa các vùng miền, nhất là thu hẹp khoảng cách đối với vùng đồng bào DTTS càng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh miền núi trong cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ tụt hậu và khoảng cách giữa các vùng miền luôn hiện hữu. Năm 2019, Quốc hội đã có Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là đề án quan trọng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chăm lo toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng còn gặp nhiều khó khăn này.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh những quyết sách, chiến lược quan trọng phát triển đất nước, tôi tin tưởng Đảng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm lo vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục có những chủ trương, chính sách để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống thu nhập so với bình quân chung của cả nước. Đồng thời, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Chỉ có phát triển đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, thu hẹp dần khoảng chênh lệch mức sống giữa vùng miền thì mới thực hiện được đại đoàn kết dân tộc. Và đại đoàn kết dân tộc, muốn thực hiện được phải nâng cao dân trí, phải bồi dưỡng nhân lực, phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Tiến sĩ Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh:
Xây dựng đội ngũ cán bộ hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá khá chân thực những kết quả đạt được về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới cũng như gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, tạo ra tiền đề để chúng ta tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Những đặc trưng của xã hội Xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta xây dựng ngày càng được hiện thực hóa. Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; việc thực hiện quyền dân chủ, quyền tự quyết của nhân dân có bước tiến mới. Ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao. Việc xây dựng nền kinh tế phát triển dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, đạt kết quả quan trọng. Trong đó, mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng đã có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.
Đảng và Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây Duyên hải miền Trung. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đạt những thành tựu quan trọng. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước được xác định rõ hơn và trong tổ chức thực hiện đã có nhiều bước tiến. Chúng ta đã giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo ra sự ổn định về chính trị trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Người dân tin tưởng vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường. Văn kiện trình Đại hội cũng đã đánh giá đúng vai trò của công tác xây dựng Đảng là “nhiệm vụ then chốt.” Ngoài 10 nhiệm vụ về "Công tác xây dựng Đảng" được trình bày rõ trong Dự thảo Báo cáo chính trị, Đại hội còn có báo cáo chuyên đề về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Trong Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này bổ sung thêm yếu tố hệ thống chính trị với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đây là điểm nhấn của đại hội, đã nhấn mạnh đến vai trò hạt nhân của Đảng trong hệ thống chính trị. Bởi lẽ, Đảng vừa là thành viên vừa là hạt nhân lãnh đạo toàn diện; đồng thời công tác xây dựng Đảng không chỉ là nội bộ của Đảng mà còn phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân. Có như vậy, bộ máy chính trị mới có thể vững mạnh và trong sạch.
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến toàn diện tất cả lĩnh vực cần phải tập trung xây dựng và phát triển cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (giai đoạn 2016 - 2020), với quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh, Đảng đã xử lý nhiều cán bộ sai phạm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp. Đây là một tổn thất, nhưng đồng thời là một kinh nghiệm xương máu để Đại hội XIII làm thế nào chọn được những cán bộ tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, để có đủ tầm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đi đến thắng lợi. Nói cách khác, Đại hội XIII của Đảng phải xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên", hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Quá trình xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ luôn luôn đi đôi với việc kiểm tra, giám sát, khắc phục những thiếu sót, những hạn chế, đặc biệt là xử lý nghiêm những người sai phạm, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Để nhân dân tin vào cán bộ, cũng là tin vào Đảng để cùng chung tay xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên:
Cần có cơ chế đặc thù phát triển Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong 5 năm qua, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, như lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Điều đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thể hiện khách quan những thành tựu, hạn chế và có tính khái quát cao; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về tất cả các lĩnh vực được thể hiện trong các nhóm vấn đề lớn. Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030: Là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điểm nhấn là dự thảo lần này nhiều lần nhắc đến "khát vọng phát triển đất nước".
Xuất phát điểm của Việt Nam là một nước nông nghiệp, tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất. Vấn đề đặt ra hiện tại là làm sao sử dụng hiệu quả nhất nguồn tư liệu đặc biệt quan trọng này. Đối với Tây Nguyên, là vùng đất của đại ngàn với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, với khoảng 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, đang trở thành vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp của cả nước. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, để tạo nên chuyển biến về kinh tế - xã hội và bảo đảm được an ninh tài nguyên môi trường, thì phải chuyển đổi sinh kế một cách có hiệu quả nhất tùy vào đặc điểm, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên của vùng, của mỗi khu vực, mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên còn có tiềm năng thủy điện, điện mặt trời, điện gió rất lớn. Theo quy hoạch thủy điện trên bậc thang các sông Sê San, Sêrêpốk và Đồng Nai, tổng công suất thủy điện ở toàn vùng Tây Nguyên lên tới khoảng 7.000 MW, chiếm 27% tổng tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện cả nước.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong thời gian qua sự phát triển kinh tế của Tây Nguyên vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, các địa phương chưa thực sự chú trọng công tác xúc tiến đầu tư và còn thiếu tính đột phá. Nền kinh tế vẫn đang loay hoay ở khâu sản xuất nguyên liệu. Vùng Tây Nguyên đang còn rất thiếu các ngành, các cơ sở công nghiệp chế biến; sự phát triển thương mại điện tử và hệ thống logistics đang còn non yếu...
Ngoài sự tự thân của mỗi tỉnh trong việc chủ động, sáng tạo, tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tôi cho rằng, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì Trung ương và địa phương cần có những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho khu vực Tây Nguyên bứt phá, vươn lên phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, cần tập trung nguồn vốn cho phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi; huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự gắn kết giữa Tây Nguyên với các khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, Đông Nam Bộ. Cùng với đó là rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xác lập mô hình hợp lý để phát huy tốt hơn lợi thế đất đai ở Tây Nguyên, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó ưu tiên các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng hữu cơ. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, nhất là chế biến các sản phẩm chủ lực như: cao su, cà phê, chè, điều…
Song song đó cần quan tâm đến phát triển toàn diện về văn hóa - xã hội ở Tây Nguyên, gắn phát triển kinh tế với nâng cao dân trí và đời sống tinh thần, với tiến bộ và công bằng xã hội cho đồng bào các dân tộc. Cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải được tăng cường để có đủ năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành đời sống xã hội và xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.
Gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với yêu cầu bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo đảm an ninh tài nguyên và môi trường… xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Lê Hương (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc