Multimedia Đọc Báo in

Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

09:09, 24/11/2020

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, ngay sau đó tất cả các vùng, các huyện ở Đắk Lắk đã lần lượt tổ chức đại hội đại biểu nhân dân để thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Từ năm 1961 - 1965, tổ chức mặt trận được thành lập rộng khắp trong cả tỉnh. Vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được thể hiện cụ thể qua việc xây dựng cơ sở cốt cán trong hàng ngũ trí thức, công chức, nhân sĩ, già làng; nắm lực lượng binh lính, dân vệ ở các dinh điền, buôn ấp; động viên sức mạnh quần chúng nhân dân xây dựng vùng căn cứ kháng chiến, xây dựng những căn cứ “lõm” trong vùng địch làm chỗ dựa cho lực lượng cách mạng hoạt động; phát động phong trào đồng khởi phá kềm, phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn, đập tan âm mưu “bình định” của Mỹ - ngụy.

Voi vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn)
Voi vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn)

Thực hiện chủ trương hợp nhất B3, B5, B6 thành tỉnh Đắk Lắk, tháng 12-1965 Mặt trận Dân tộc Giải phóng B3, B5, B6 cũng đã được hợp nhất lại thành Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy. Sau đó, các huyện trong tỉnh đều củng cố cán bộ và tiếp tục mở rộng tổ chức Mặt trận đến cơ sở, kể cả vùng của ta, vùng tranh chấp và một số vùng địch kiểm soát. Trong vùng giải phóng, Mặt trận tập trung phát động nhân dân tham gia củng cố, kiện toàn căn cứ kháng chiến; phối hợp cùng với các cấp, các ngành tập trung vào nhiệm vụ vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể và đẩy mạnh sản xuất, động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến.

Việc thành lập “Quỹ nuôi quân” theo sáng kiến của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh đã được đồng bào hăng hái hưởng ứng. Trong các dinh điền H9 và vùng căn cứ H4, H5, nhân dân góp hàng trăm tấn lúa, bắp, đậu xanh cho cơ quan kinh tài.

Trong vùng địch kiểm soát, hưởng ứng lời kêu gọi ngày 9-7-1966 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh mở một cuộc vận động lớn động viên toàn dân đánh bại bước leo thang, mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, tập trung chống bình định nông thôn.

Cuối năm 1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh đã tích cực động viên tinh thần, huy động lực lượng chính trị và chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ Tổng công kích và nổi dậy. Mặt trận đã mời một số cơ sở nòng cốt trong nội thị Buôn Ma Thuột ra căn cứ để phổ biến chủ trương, yêu cầu chuẩn bị thuốc men, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ các hoạt động tấn công và nổi dậy của cách mạng; đặc biệt yêu cầu các cơ sở của Mặt trận chuẩn bị lực lượng quần chúng để sẵn sàng tham gia đấu tranh chính trị khi nổ ra tổng công kích tổng khởi nghĩa. Trong vùng căn cứ và vùng giải phóng, Mặt trận đã phát động toàn thể nhân dân đóng góp hậu cần, huy động lực lượng dân công phục vụ chiến đấu… góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 oanh liệt.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột năm 1975. Ảnh: TTXVN
Quân giải phóng đánh chiếm Sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột năm 1975. Ảnh: TTXVN

Từ sau Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh lần thứ III (đầu năm 1970) đến năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang thời kỳ mới. Mặt trận Dân tộc Giải phóng tiếp tục được kiện toàn ở hầu khắp các huyện. Mặt trận một lần nữa đi đầu trong việc giương cao ngọn cờ hòa hợp dân tộc, phát động cuộc đấu tranh chống “bình định cấp tốc” của địch ở các địa bàn nông thôn; thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị ở thị xã. Nhất là sau Hiệp định Paris, Mặt trận đã nêu cao khẩu hiệu “Vì hòa bình và đời sống” tập hợp các ngành, các giới chống âm mưu lấn đất giành dân và các chính sách mị dân về kinh tế - xã hội của chính quyền Thiệu; động viên nỗ lực cao nhất của đồng bào các dân tộc để giành thắng lợi trong trận đánh Buôn Ma Thuột 10-3-1975, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong suốt chặng đường hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh thực sự là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.