Một số vấn đề đặt ra về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Pháp lệnh 34 về dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) ban hành ngày 20-4-2007.
Trong hơn 10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, việc triển khai thực hiện Pháp lệnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng ở hầu hết các, xã phường, thị trấn của tỉnh Đắk Lắk.
Những năm đầu thực hiện Pháp lệnh, công tác tuyên truyền đã được ưu tiên hàng đầu qua các hội nghị, phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền; xây dựng tủ sách pháp luật; tổ chức tập huấn; tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức dân chủ và pháp luật... Nhờ vậy, những nội dung được quy định tại Pháp lệnh dần dần đi vào cuộc sống, trở thành những việc làm thường xuyên của cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Người dân buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nêu kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 8-2019. Ảnh: Duy Tiến |
Chính quyền cấp xã đã thực hiện có hiệu quả những việc phải công khai để dân biết như: phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí; vốn vay xóa đói, giảm nghèo; chế độ chính sách...
Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chính quyền đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể tổ chức hội nghị để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp trước khi thực hiện, nhất là những vấn đề có liên quan đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, cụ thể là: xây dựng quy ước, hương ước; xét chọn gia đình văn hóa; bình xét hộ nghèo; kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà Đại đoàn kết...
Ngoài chú trọng thực hiện những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, chính quyền cấp xã đã tạo điều kiện để nhân dân thể hiện vai trò giám sát, kiểm tra thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vai trò của ban thanh tra, ban giám sát đã phát huy hiệu quả trong giám sát việc sử dụng đất đai, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, bình xét hộ nghèo, hỗ trợ nhà Đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước có đóng góp của nhân dân; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...
Thành quả quan trọng mà Pháp lệnh 34 mang lại đó là, việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được hầu hết các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được chính quyền nghiêm túc thực hiện đã phát huy quyền dân chủ trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn, làm cho nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là cấp cơ sở.
Người dân xã Ea Đar (huyện Ea Kar) nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo xã với nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Xuân Thao |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Pháp lệnh 34 về dân chủ ở xã, phường, thị trấn vẫn còn những hạn chế nhất định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp xã.
Qua công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ tỉnh về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh tại một số xã, phường, thị trấn trong những năm qua, có thể thấy, ngoài những nguyên nhân chủ quan, còn có những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc thực hiện một số nội dung được quy định tại Pháp lệnh khó khăn, hạn chế do thiếu tính khả thi.
Đó là, Pháp lệnh quy định những vấn đề dân bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định thông qua các cuộc họp hoặc phát phiếu và nếu số lượng người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, buôn, tổ dân phố thì phải tổ chức lại cuộc họp. Quy định này khó đảm bảo đối với các khu dân cư có con em đi làm việc xa nhà hoặc không có người đại diện tham gia cuộc họp.
Mặt khác, nếu huy động được trên 50% số cử tri đại diện hộ gia đình tham gia cuộc họp thì cũng sẽ không đủ sức chứa đối với những thôn, buôn, tổ dân phố có hội trường nhỏ. Một nguyên nhân nữa là quy định tại Pháp lệnh 34 chỉ giao cho HĐND và UBND cấp xã triển khai và chịu trách nhiệm chính để thực hiện dân chủ ở cơ sở, song vấn đề về chỉ đạo của cấp trên và mối quan hệ của HĐND, UBND cấp xã đối với HĐND, UBND cấp huyện chưa được quy định.
Ngoài ra, Pháp lệnh chưa quy định thẩm quyền theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đối với việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Vì thế, khi có nội dung thực hiện không nghiêm, không đúng quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì khó có căn cứ để đánh giá, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sai phạm, vi phạm để xử lý.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh dân chủ, Trung ương đang nghiên cứu để ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hy vọng rằng khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời với những quy định thống nhất, đồng bộ sẽ phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Mai Lan Anh (Ban Dân vận Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc