Multimedia Đọc Báo in

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị với công tác dân vận

22:37, 31/12/2020

Sáng 31-12, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; tổng kết công tác dân vận năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và chỉ đạo hội nghị .

Chủ trì tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn.

4234
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)

 

Theo báo cáo tại hội nghị, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác dân vận luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp trong hệ thống chính trị, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đã nêu cao trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và phối hợp để nâng cao sức mạnh chung, tạo sự đồng bộ, hiệu quả công tác dân vận.

Công tác vận động, tuyên truyền được tiếp tục đổi mới, quan tâm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, công tác dân vận đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức Đảng; góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực trên tất cả các lĩnh vực. Công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm; chủ động nắm tình hình, hạn chế xảy ra các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự.

Việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy ngày càng hiệu quả. Công tác đối ngoại nhân dân và phối hợp công tác dân vận ở vùng biên giới được chú trọng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nhân dân các nước láng giềng.

4234
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhất là trong năm 2020, mặc dù chịu tác động to lớn của dịch Covid-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục có bước phát triển; đã phát huy tính ưu việt của hệ thống chính trị của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực và sức mạnh của nhân dân. Những thành tựu trong công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước. Những năm tới, tình hình thế giới và trong nước sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhất là dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến đời sống nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đặt ra yêu cầu phải tăng cường và đổi mới công tác dân vận.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện quan điểm của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới được nêu trong Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác dân vận. Trong đó, cần tập trung tham mưu, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận nhiệm kỳ 2021 – 2026; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dân vận trong tình hình mới; chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy các cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; thực hiện tốt cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân làm chủ”, phát huy vai trò của nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật; tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp thực hiện tốt quy chế công tác dân vận trong các cơ quan, tổ chức; tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận; đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo” trên các lĩnh vực; làm dân vận phải thực chất, thực sự do dân, vì dân, tránh hình thức; không đưa những người mất uy tín về làm công tác dân vận. Nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước đối với công tác dân vận, chú trọng xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư.

Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và công tác tuyên truyền, vận động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, hướng về cơ sở, chọn điểm, chọn việc tập trung làm rõ, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động tự quản ở cộng đồng; tăng cường nắm tình hình nhân dân, lắng nghe, phản ánh kiến nghị các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân…

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.