Đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường
Được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, bà Lê Thị Thanh Xuân, Ủy viên Hội đồng dân tộc Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm tốt vai trò "cầu nối" cử tri và Quốc hội.
Ở những lần tiếp xúc cử tri đầu tiên khi vừa trúng cử, bà dành thời gian lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, ghi chép lại cẩn thận để tiếp tục tìm hiểu. Thông qua các cuộc giám sát chuyên đề, những chuyến công tác ở cơ sở, bà luôn gần gũi, gắn bó mật thiết để hiểu sâu sắc hơn đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu vùng xa, kịp thời tham mưu cho tỉnh tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của cử tri.
ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân trao đổi cùng các vị ĐBQH của tỉnh bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Với tâm niệm phải giữ trọn lời hứa trước cử tri toàn tỉnh, nữ ĐBQH người M'nông đã mạnh dạn nói lên tiếng nói của nhân dân về những vấn đề bức xúc tại nghị trường Quốc hội. Trước tình trạng trẻ em phải đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro khi tiếp xúc với không gian mạng, trong phiên thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, bà đã thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là có phản ứng chậm trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng hay không?
Khi Chính phủ đưa ra việc bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới viên chức, nhiều ý kiến cho rằng điều này dễ dẫn đến khả năng người đứng đầu lạm dụng quyền lực để tuyển dụng người nhà, người thân vào làm việc, có thể tước bỏ cơ hội được yên tâm cống hiến lâu dài, phục vụ nhân dân đối với giáo viên, nhân viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trăn trở về cán bộ, viên chức thiếu thông tin và ít có điều kiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bà Xuân đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra giải pháp để phòng ngừa nguy cơ lạm quyền có thể xảy ra.
Với tư cách ĐBQH, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, bà Xuân đã tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến và biểu quyết thông qua Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục 2019; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, bà còn tham gia góp ý vấn đề bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đề xuất với cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án giúp phụ nữ về vốn, khuyến nông, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bà Lê Thị Thanh Xuân đại diện ngành Giáo dục tỉnh nhận hỗ trợ từ Công ty Thủy điện Buôn Kuốp để mua sách giáo khoa lớp 1 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Đạt |
Ngoài công tác chuyên môn, các ĐBQH còn tham gia hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát tại địa phương. Dù công việc chiếm hầu hết thời gian nhưng bà Xuân luôn thu xếp công việc gia đình, việc cơ quan thật khoa học để làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân; góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc