Multimedia Đọc Báo in

Gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

08:22, 18/01/2021

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, có thể xem là “kim chỉ nam” để lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành hoạch định chiến lược phát triển về mọi mặt của tỉnh trong thời gian tới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:

Đắk Lắk cần làm tốt công tác quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp

Thành tựu tỉnh Đắk Lắk đạt được cũng nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Đó là vấn đề hạn hán thường xuyên xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng nông sản, giá cả giảm, diện tích nhiều loại cây trồng phát triển vượt quy hoạch và đang vào chu kỳ già cỗi. Thu ngân sách của tỉnh còn thấp, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Vấn đề di dân tự do cũng gây gánh nặng cho tỉnh. Thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn do không có dự án lớn, mang tính lan tỏa, không có nhà đầu tư chiến lược, không có ngành nghề, sản phẩm chủ lực, mũi nhọn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc.    Ảnh: Hoàng Gia
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Gia

Theo tôi, tỉnh cần nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức để có định hướng phát triển phù hợp. Đối với định hướng sắp tới, tỉnh cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp, có chất lượng quy hoạch tốt thì mới khai thác được hết tiềm năng, lợi thế, cơ hội để phát triển nhanh và bền vững. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông cũng rất quan trọng, cần "mở toang" cánh cửa, gắn kết với các tỉnh phía biển và duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm ổn định đời sống cho các hộ di dân ngoài kế hoạch.

Phát triển kinh tế cũng quan trọng nhưng với một tỉnh có vị trí chiến lược như Đắk Lắk thì cần ưu tiên giữ đất, giữ rừng và giữ dân, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Nguyên; ổn định an ninh trật tự vùng biên giới. Đồng thời, tỉnh cần kết nối liên thông các hồ đập để giữ được nguồn nước cho Tây Nguyên. Vấn đề hạ tầng giao thông kết nối cần bảo đảm sao cho Đắk Lắk trở thành trung tâm của vùng và là “bệ đỡ” cho các tỉnh Tây Nguyên.

Đối với đề xuất xây dựng đường cao tốc Đắk Lắk – Nha Trang, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa vào quy hoạch là đường cao tốc nhưng trước mắt chúng tôi đề nghị chưa nên làm đường cao tốc mà bước đầu làm đường tốc độ cao thì khả thi hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển, khi có nhu cầu, điều kiện tăng lên thì mở rộng lên đường cao tốc. Việc nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 1 về huyện biên giới Ea Súp, Bộ cũng đã thống nhất, đưa dự án này vào chương trình liên kết vùng, trong đó dự kiến hỗ trợ cho tỉnh 1.000 tỷ đồng. Những tuyến đường kết nối với các tỉnh xung quanh, thì theo cơ chế của Quốc hội, mỗi tỉnh trước mắt tập trung làm 1 dự án nên Bộ tập trung làm Tỉnh lộ 1 trước, còn lại tỉnh nên sử dụng ngân sách của Trung ương hỗ trợ để làm, nếu còn nguồn dự phòng Trung ương sẽ hỗ trợ sau. Đối với việc phát triển sân golf, Bộ hoàn toàn ủng hộ vì quy hoạch sân golf đã được tích hợp vào quy hoạch của tỉnh nên tỉnh tự quyết định sao cho bảo đảm các quy định.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung:

Chăm lo công tác an sinh xã hội và cuộc sống của người dân

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng Đắk Lắk hiện có nhiều thách thức lớn, đó là: Các mặt hàng chủ lực của tỉnh vẫn là sản phẩm thô, chưa mở rộng kết nối vùng, miền nên khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu. Tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh tuy giảm còn 4,97% nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12,43% là cao so với mặt bằng chung của cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, trong khi các nông – lâm trường đang giữ đất nhiều. Toàn tỉnh có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới tuy có tăng so với năm 2019 nhưng vẫn thấp so với cả nước đã đạt 62%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ý kiến  tại buổi làm việc.    Ảnh: Hoàng Gia
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Gia

Vì vậy, để Đắk Lắk phát triển toàn diện, cùng với việc hoàn thành công tác quy hoạch đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh cần tập trung thực hiện đạt 3 mục tiêu: Đảng mạnh, dân yên, kinh tế phát triển. Trước mắt, tỉnh cần tập trung hoàn thiện việc sắp xếp và giải quyết vấn đề đất nông – lâm trường. Nếu tỉnh chỉ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì không thể giải quyết được mà cần báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị cho ý kiến để có giải pháp hoàn thành đo đạc cắm mốc, có như vậy mới giải quyết được vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Đây là cái gốc, là nguyên nhân của tình trạng bất ổn ở địa phương. Thêm vào đó, tỉnh cần thúc đẩy mạnh hơn nữa các mô hình hợp tác kinh tế, phong trào khởi nghiệp sáng tạo, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nâng bậc trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính; quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách có công, người yếu thế trong xã hội. Đồng thời, sớm rà soát lại các cơ sở giáo dục, tập trung xây dựng 1 trường cao đẳng Tây Nguyên đa ngành, đa lĩnh vực, đa hệ, tránh dàn trải.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến:

Quan tâm thực hiện chính sách dân tộc

Tỉnh Đắk Lắk đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm 2020, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã mở ra thời kỳ mới, bước phát triển mới cho tỉnh. Đắk Lắk cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Toàn tỉnh hiện có 36% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với trên 700.000 người; có 44 xã đặc biệt khó khăn, 34 thôn đặc biệt khó khăn, là địa bàn hội tụ đủ yếu tố miền núi, dân tộc và còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk được ưu tiên đầu tư nhiều nhất về lĩnh vực này với 10 dự án, tổng kinh phí trên 6.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.100 tỷ đồng, còn 1.100 tỷ đồng là vốn tín dụng chính sách.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc.  Ảnh: Hoàng Gia
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Gia

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019 của Quốc hội về phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, tỉnh cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa, nét đặc trưng của Đắk Lắk, nhất là rừng, văn hóa cồng chiêng. Văn hóa Tây Nguyên rất quan trọng trong công tác dân vận, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng mực nước ngầm suy giảm hơn 1m đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu, dẫn đến “tai biến” khí hậu, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. Do vậy, Trung ương và địa phương cần có chiến lược giải quyết vấn đề thảm thực vật và sinh thủy của vùng Tây Nguyên, giữ lại mực nước ngầm; quy hoạch lại diện tích cà phê, tiêu, điều cho phù hợp; rà soát lại để quy hoạch lại 3 loại rừng theo chủ trương của Chính phủ. Điều quan trọng hơn cả là cần đoàn kết các dân tộc, nâng cao thực chất đời sống của đồng bào.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.