Kiểm tra, giám sát: Thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương
Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng.
Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
Chữa trị những “vết thương” về tư tưởng, đạo đức
Kết quả công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã minh chứng cho ý nghĩa và giá trị của thanh bảo kiếm này. Có vết thương hiện hữu, đơn giản dễ kê đơn, nhưng cái khó nhất để phát hiện, chữa trị chính là vết thương, sự “khuyết tật” về tư tưởng chính trị, đạo đức. Nhận diện được căn bệnh ấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã lựa chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, kết luận rõ các vi phạm, khuyết điểm. Nội dung kiểm tra, giám sát đã tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.
Với phương châm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức kiểm tra ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa bàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Một số lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra đã được tập trung như: Kiểm tra về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; qua đó, đã xử lý kỷ luật khai trừ một số cán bộ, đảng viên suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng, có nhiều vi phạm về tuyên truyền chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng… Phòng, chống tham nhũng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một nội dung quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát. Đội ngũ cán bộ kiểm tra đã thể hiện bản lĩnh, sự quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan trong việc thẩm tra, xác minh đối với những vụ việc khó tồn tại từ lâu để tham mưu, xem xét kỷ luật thấu tình đạt lý theo tinh thần xử lý một vài người để cứu muôn người.
Kỳ họp thứ 83 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Ảnh: Hồng Chuyên |
Phát hiện và có phương án xử lý, chữa trị đối với những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mang căn bệnh suy thoái trong tư tưởng, đạo đức, hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung, cũng như của ngành kiểm tra nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch của Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Sử dụng thường xuyên, thận trọng "thanh bảo kiếm"
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu.
|
Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, yêu cầu cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên còn có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp và nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, quy mô và tinh vi trong cách vi phạm. Các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, "lợi ích nhóm", "bệnh thành tích", "tư duy nhiệm kỳ", "lạm quyền", "lộng quyền", vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng đang còn nghiêm trọng. Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấp hành và công tác giám sát. Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích “trị bệnh cứu người”, giữ được cán bộ.
Nội dung cần phải tập trung kiểm tra toàn diện hơn các lĩnh vực như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp, lĩnh vực y tế, giáo dục, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Điều quan trọng quyết định là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra; phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan kiểm tra cùng với các cơ quan nội chính, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thật sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trong sạch, chí công vô tư, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Cán bộ kiểm tra hơn ai hết phải liêm, phải sạch, phải là những "bao công" trong thời đại mới. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc