Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nguồn lực đổi mới và phát triển đất nước trong thời kỳ mới

15:35, 28/01/2021

Sáng 28-1, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục ngày làm việc chính thức thứ ba. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều hành phiên thảo luận về các dự thảo văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng.

Tại phiên làm việc, các đại biểu tham luận, phân tích, làm rõ các nội dung về đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên trong thanh niên; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương...

Đồng chí Vương Đình Huệ
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều hành phiên thảo luận. 

Tham luận về đẩy mạnh cải cách hành chính tại Đại hội, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, công tác cải cách hành chính trong thời gian vừa qua tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ với tinh thần đổi mới, sẽ tiếp tục thực hiện phương châm: Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng.

Đồng chí
Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tham luận tại Đại hội.

Theo đại biểu Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình đổi mới phát triển đất nước hiện còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, nhất là trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước, đòi hỏi trong giai đoạn phát triển sắp tới với mục tiêu đặt ra là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa nước ta phát triển thịnh vượng.

Đại biểu Trần Tuấn Anh
Đại biểu Trần Tuấn Anh Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu tham luận tại Đại hội.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, thành tựu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong năm năm qua đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là kết quả của sự nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị với sự tham gia và phối hợp tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Vai trò, sứ mệnh của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định là động lực phát triển KT-XH trong nhiều văn kiện quan trọng như Cương lĩnh phát triển đất nước, các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng,
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận tại Đại hội. 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất: cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”.

Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Sáu trọng tâm trong các nhiệm vụ, giải pháp mà các văn kiện trình Đại hội XIII đề ra là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường (thứ ba từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội.

Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Lắk chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Chủ tịch Đại hội XIII 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Lắk tại Đại hội XIII

Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Buổi chiều 28-1, Đại hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.