Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Việc bảo vệ, quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân chính là chăm lo cho sự phát triển của dân tộc, cho sự phát triển của đất nước và là trách nhiệm, đạo lý của Ðảng trước nhân dân, trước dân tộc.
Quan điểm về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập cụ thể, từ vấn đề rèn luyện thân thể để nâng cao thể chất, sức đề kháng chống lại bệnh tật, ốm đau cho đến vệ sinh môi trường, xây dựng các công trình y tế dân sinh, chăm lo xây dựng đời sống mới, về y đức...
Theo Bác, phải hiểu sức khỏe không chỉ đơn thuần là sự khỏe mạnh về thể xác mà còn là cả sự khỏe mạnh trong đời sống tinh thần. Cho nên, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người không những về mặt thể chất mà còn cần chú trọng cả về mặt tinh thần “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình tỉnh Hà Tây tháng 4-1963. Ảnh tư liệu |
Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và của cả xã hội, “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải xây dựng nền y học theo nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng, đồng thời “chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây” trong khám, chữa bệnh. Do đó, trong những ngày toàn dân ta đẩy mạnh kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 36-SL, ngày 27-3-1946 quy định tổ chức Bộ Xã hội, trong đó có Nha Y tế Trung ương (tiền thân của Bộ Y tế) nhằm xây dựng nền y dược hiện đại, bảo đảm chăm lo sức khỏe cho đồng bào. Trong thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 20 bức thư gửi ngành y tế và viết rất nhiều bài báo động viên, khen ngợi, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành y tế nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành y tế một cách toàn diện. Người thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, hy sinh, sự tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết học tập tiến bộ và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên y tế. Đặc biệt, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27-2-1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Lương y phải như từ mẫu”. Theo Bác, cán bộ ngành y vừa là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phải mẫu mực về đạo đức cách mạng, giàu lòng nhân ái, yêu thương người bệnh như chính những người thân yêu, ruột thịt của mình. Người nhấn mạnh rằng “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”, “Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân”, “Lương y phải kiêm từ mẫu”.
Bác Hồ nói chuyện thân mật với GS, bác sĩ Trần Hữu Tước - người sáng lập và xây dựng ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam và các trí thức ngành y (tháng 3-1964). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua đội ngũ cán bộ y tế nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Hiện nay, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, đòi hỏi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc