Multimedia Đọc Báo in

Khí tiết trung kiên của những nữ tù chính trị ở Côn Đảo

09:38, 07/03/2021

Cuộc chiến đấu bất khuất của các chiến sĩ Côn Đảo là những trang chói lọi trong lịch sử cách mạng của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong đó, phải kể đến khí tiết trung kiên của những nữ tù chính trị ở Côn Đảo.

Trong hệ thống nhà tù Côn Đảo, không thể nào không nhắc đến sự tồn tại của “chuồng cọp”. Được xây dựng năm 1940, “chuồng cọp” kiểu Pháp nằm bên trong trại giam Phú Tường có tổng diện tích gần 5.500 m² gồm 60 phòng không có mái che và 120 phòng giam biệt lập, nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù”. Trong khi đó, “chuồng cọp” kiểu Mỹ với 48 phòng giam biệt lập, mỗi phòng giam từ 5 - 12 người. Bên trên mỗi buồng giam đều có một thùng nước bẩn, một thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân. Có thể khẳng định, đây là trại giam khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng của ngục tù Côn Đảo.

Tháng 8-1966, ngụy quyền Sài Gòn đày 36 phụ nữ chống đối lâu năm từ các nhà lao đất liền ra Côn Đảo, giam ở Trại V. Trại V khi ấy có một bộ phận tù binh và một bộ phận tù câu lưu dân sự mới bị đưa ra. Tập thể nữ tù chính trị là lực lượng kiên cường tranh đấu. Các chị tuyên bố chống chào cờ, chống nội quy, chịu chế độ cấm cố khắc nghiệt. Năm 1967, các chị đã tuyệt thực 10 ngày đòi cải thiện đời sống, đòi đưa về đất liền. Cuối năm 1968, địch đưa 36 phụ nữ ở Côn Đảo về Nhà lao Thủ Đức. Sau cuộc tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các nhà lao Thủ Đức Chí Hòa (9-1969), ngụy quyền Sài Gòn đày 342 phụ nữ và 2 cháu bé ra Côn Đảo ngày 29-11-1969. Tất cả bị giam ở "chuồng cọp", mỗi chuồng 5 người.

Tái hiện hình ảnh nữ tù chính trị bị giam ở Côn Đảo.
Tái hiện hình ảnh nữ tù chính trị bị giam ở Côn Đảo.

Ở "chuồng cọp", bọn gác ngục đã tra tấn tù nhân nói chung, các nữ tù nói riêng vô cùng tàn khốc. Chúng nhiều lần đàn áp bằng vôi bột và sào nhọn bịt đồng; đồng thời lợi dụng đặc điểm sinh lý của phụ nữ để kìm kẹp khống chế các chị. Hình phạt tồi tệ mà chúng thường áp dụng là không cho tắm, không cho nước rửa, không cho đổ thùng cầu. Có lúc, chỉ vì không chịu khai tên tuổi, chúng phạt 19 "chuồng" phụ nữ, không cho đổ thùng cầu, "chuồng" lâu nhất bị phạt 53 ngày. Không có đồ dùng vệ sinh, các nữ tù phải xé quần áo rách ra dùng mỗi kỳ kinh nguyệt, dùng nước tiểu mà giặt, quạt cho khô dùng tiếp. Từ 30-4 đến 2-5-1973, địch mở cuộc tiến công bằng lựu đạn cay, phi tiễn rồi cưỡng bức tù nhân ký tên, lăn tay, chụp hình. Đã có 3 nữ tù tại trại IV bị địch đánh chết là Lê Thị Cúc, Trần Thị Thanh, Nguyễn Thị Hương. Song song với các thủ đoạn đàn áp, đánh đập thì chúng tìm cách mua chuộc, phân hóa các nữ tù nhằm chia tách ra khỏi phong trào đấu tranh.

Trong những năm 1966 - 1968, lực lượng nữ tù chính trị bị giam ở Trại V và "chuồng cọp" đã trở thành lực lượng trung kiên, sát cánh với tập thể tù chính trị câu lưu và tập thể tù án chính trị chống chào cờ tại chuồng cọp. Tinh thần đấu tranh kiên cường của tập thể nữ tù chính trị có tác dụng như một ngòi thuốc súng, làm bùng lên một cao trào đấu tranh trong lực lượng tù chính trị. Bản sơ kết tình hình nhà lao Côn Đảo của Trung ương Cục soạn thảo năm 1974 đã đánh giá: “Từ năm 1969 đến tháng 8-1970, đội ngũ chị em phụ nữ ở "chuồng cọp" là ngọn cờ hiệu triệu dũng cảm nhất, kiên quyết nhất, làm cho địch khiếp sợ, góp phần động viên phong trào toàn đảo”.

Có thể nói, bất chấp sự tra tấn dã man, và các nội quy khắc nghiệt tại "chuồng cọp", các nữ tù đã liên hệ công khai, đấu tranh đòi tăng khẩu phần ăn, đòi trả quần áo, vật dụng vệ sinh, đòi được tắm giặt, có thuốc trị bệnh, đòi cho các chị có thai ra bệnh xá sinh nở. Đó là hình ảnh chị Nguyễn Thị Bé đã dùng dao lam mổ bụng trước mặt tên Đại úy Nguyễn Phúc Trân, phụ tá quản đốc để phản đối hành động man rợ của chúng đối với phụ nữ. Đó còn là hình ảnh của bà Sáu Mù (tên thật là Nguyễn Thị Chỉ, quê Quảng Nam) dù tóc bạc, lưng còng, mắt mù, sức yếu nhưng bà vẫn đứng vững trong tập thể chiến đấu, chống chào cờ, chống nội quy, chịu mọi cực hình ở chuồng cọp I.

Chân dung các nữ tù trong cuộc đấu tranh chống lăn tay năm 1973 tại Bảo tàng Côn Đảo.
Chân dung các nữ tù trong cuộc đấu tranh chống lăn tay năm 1973 tại Bảo tàng Côn Đảo.

Tháng 7-1970, tội ác ở "chuồng cọp" tại Côn Đảo của chế độ Mỹ - ngụy bị phơi bày trước dư luận thế giới. Trước áp lực của dư luận, ngụy quyền phải mở cửa "chuồng cọp", quét dọn sạch sẽ. Trung tuần tháng 7-1970, địch chuyển số tù án chống chào cờ về "chuồng bò", chuyển toàn bộ phụ nữ về Trại V. Về Trại V, tập thể nữ tù chính trị nhanh chóng củng cố tổ chức, hình thành ban cán sự tại mỗi phòng để lãnh đạo toàn diện các hoạt động của tù nhân. Các chị tiếp tục đấu tranh đòi đưa về đất liền, trả tự do, trong khi chờ đợi trả tự do phải được cải thiện đời sống, có thuốc men trị bệnh, được nhận thư và bưu kiện tiếp tế của gia đình. Tháng 11-1970, ngụy quyền đưa tất cả phụ nữ tù về Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa).

Bằng những hình thức tra tấn dã man, tưởng chừng như các tù nhân chính trị không còn sức chống cự. Nhưng, đây lại là nơi nổi dậy đầu tiên của tù chính trị vào lúc 12 giờ đêm 30-4-1975, trong tổng số 4.334 tù chính trị thì có 494 phụ nữ và 31 tử tù ở các trại giam. Để rồi, trưa 1-5-1975, ta hoàn toàn làm chủ Côn Ðảo. Sáng 4-5-1975, quân ta từ tàu chiến đổ bộ lên đảo. Một cuộc mít tinh mừng Côn Ðảo giải phóng được tổ chức trọng thể. Hàng nghìn cựu tù mang cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, cùng với cư dân trên đảo hò reo vang dội.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.