Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số - cơ hội để bứt phá (kỳ 2)

08:04, 27/04/2021

Lộ trình chuyển đổi phù hợp

Chuyển đổi số là cả một hành trình, gồm chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số trong người dân; do đó, phải thực hiện từng bước chắn chắn và hiệu quả.

Thay đổi từ nhận thức

Nghị quyết số 04/NQ-TU của Tỉnh ủy đánh giá: “Chuyển đổi nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”. Với mỗi tổ chức, đơn vị, việc cán bộ lãnh đạo có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (thứ 2 từ trái sang) tìm hiểu các mô hình chuyển đổi số ở Đắk Lắk
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (thứ hai từ trái sang) tìm hiểu các mô hình chuyển đổi số ở Đắk Lắk.

Chuyển đổi số là một bước trong quá trình ứng dụng công nghệ vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thế nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người chưa nhận thức đầy đủ để có chiến lược đầu tư thích hợp. Vẫn còn không ít tổ chức, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh cho rằng đó là một khái niệm trừu tượng, xa vời, không thiết thực với bản thân, đơn vị mình; thậm chí xem đây là việc của cơ quan công quyền. Lại có không ít trường hợp ngộ nhận, xem chuyển đổi số như "chiếc đũa thần" có thể thay đổi ngay lập tức hiệu quả hoạt động, kinh doanh mà không biết rằng, đây thực chất là một quá trình thay đổi, không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn về ý thức.

“Chuyển đổi số chỉ đơn giản là thay đổi cách nghĩ, dùng dữ liệu số và công nghệ số để thay đổi cách làm, để chúng ta có thể làm việc cũ tốt hơn, làm việc cũ theo cách mới, hoặc làm việc mới mà trước đây chưa thể làm được”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Huy Dũng

Trong khi đó, trên thực tế ở hầu hết các lĩnh vực, đơn vị và ngay cả mỗi cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số từ những việc đơn giản, thiết thực nhất trong cuộc sống hằng ngày. Đơn cử như chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay một máy tính có kết nối Internet, bằng một cái chạm tay, nhấp chuột là có thể thực hiện giao dịch, giao lưu trực tuyến, không bị giới hạn thời gian, khoảng cách địa lý...

Đi từng bước vững chắc

Những năm qua, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư và phát triển đáp ứng cơ bản yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước; đảm bảo quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như: xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh mới chỉ ở mức trung bình của cả nước; nguồn lực đầu tư còn chưa tương xứng, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; cơ sở dữ liệu thiếu sự chia sẻ; chưa kết nối, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin, nguồn nhân lực, nền tảng phát triển chính quyền điện tử; đô thị thông minh chưa thực sự sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số toàn diện theo định hướng của Chính phủ giai đoạn tới...

Trên cơ sở hiện trạng công nghệ thông tin, lãnh đạo tỉnh đã xác định các quan điểm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt trong hành trình chuyển đổi số. Cụ thể, mọi tầng lớp trong xã hội cần được tuyên truyền để nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của chuyển đổi số để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động. Song song đó, phải chủ động thực hiện chuyển đổi số với nguồn lực sẵn có của địa phương, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện triển khai chuyển đổi số phải đồng bộ, sâu rộng đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh; xác định lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Điểm kết nối cung - cầu công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) kết nối nối thương mại, chuyển giao công nghệ trong và ngoài tỉnh.
Điểm kết nối cung - cầu công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) kết nối nối thương mại, chuyển giao công nghệ trong và ngoài tỉnh.

Theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đến năm 2025, Đắk Lắk phấn đấu về chính quyền số: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên ở cấp huyện và 60% trở lên ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình; 100% xã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk… Đến năm 2030, phấn đấu 100% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang và dịch vụ mạng 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%...

Về lộ trình chuyển đổi số, trong năm 2021 và 2022, tỉnh sẽ xây dựng những hình mẫu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, chính quyền số tập trung vào cung cấp dịch vụ công số; kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, logistics và môi trường; xã hội tập trung vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển cộng đồng số. Căn cứ trên kết quả thực hiện, giai đoạn 2 năm tiếp theo sẽ nhân rộng mô hình trong các lĩnh vực then chốt và đến năm 2025 nhân rộng ra toàn xã hội

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.