Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng những hành trình... (Kỳ 2)

08:08, 28/07/2021

Kỳ 2: Tình bạn không biên giới

Trong quá trình Đội K51 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia, luôn có sự đồng hành của cán bộ, nhân dân nước bạn. Nhiều năm qua, hai dân tộc “tay cầm tay samaki” (Samaki - nghĩa tiếng Việt là đoàn kết) như một cách tri ân những người con anh hùng của đất Việt đã hy sinh để bảo vệ chính nghĩa.

Nghĩa tình trên đất bạn

Mùa khô nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, khi có thông tin về mộ liệt sĩ, người dân xứ sở Chùa Tháp đều chia sẻ và sẵn sàng cùng Đội K51 băng rừng lội suối kiếm tìm.

Ở phum Lauca, xã Semôrum (huyện Ô Răng) có một người được cán bộ, chiến sĩ Đội K51 gọi thân mật là ông Nhuật. Không chỉ tham gia chỉ đường nơi có mộ liệt sĩ, ông còn là người nắm bắt thông tin trong phum, xã, qua đó vận động người dân đồng hành cùng Đội kiếm tìm. Hỗ trợ bằng cả tinh thần và trách nhiệm, nguồn tin ông Nhuật cung cấp luôn có giá trị cao, là cơ sở để đơn vị xác minh, tổ chức tìm kiếm, quy tập. 

Cán bộ quân y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khám bệnh, cấp thuốc cho người dân tỉnh Mondulkiri. Ảnh: V.Hùng
Cán bộ quân y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khám bệnh, cấp thuốc cho người dân tỉnh Mondulkiri. Ảnh: V.Hùng

Ở xã Tua rơ (huyện Cô Nhéc), căn nhà của ông Mê Khân luôn là điểm dừng chân ấm áp cho cán bộ, chiến sĩ mỗi lần về xã nắm tin. Ân tình người đàn ông gần 80 tuổi ấy dành cho Đội K51 không chỉ thể hiện qua việc bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt dài ngày, mà còn cả những lần cùng băng núi đồi hiểm trở. Đau đáu về việc từng trực tiếp chôn cất 6 liệt sĩ Việt Nam trên địa bàn huyện Ô Răng, ông Mê Khân đã hai lần cùng cán bộ, chiến sĩ Đội K51 vượt quãng đường hàng trăm ki lô mét để tìm lại. Lo lắng cho sức khỏe của người tuổi đã cao, các chiến sĩ thay nhau cõng ông khi di chuyển đường rừng khó đi. Gần cả tuần liền cho mỗi lần tìm kiếm giữa hun hút gió ngàn vẫn đang là nỗi niềm trăn trở của đôi bên vì chưa có kết quả…

Còn rất nhiều tấm lòng hướng về các anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã ngã xuống trên đất bạn. Nhờ có họ mà việc xác minh thông tin, tìm kiếm nơi chôn cất dễ dàng hơn rất nhiều. Để có được sự giúp sức chí tình này, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 đã rất chân tình, gần gũi để tìm sự đồng cảm của người dân ở đây. Khi người dân vào mùa thu hoạch, Đội K51 sẵn sàng cử người cùng tham gia, mà không nề hà gian khó. Hay dân ốm cần giúp đỡ, cán bộ quân y của Đội có mặt kịp thời khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Vào mùa khô hằng năm, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đều thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh cấp thuốc cho các gia đình khó khăn như một cách báo đáp ân tình dành cho người dân các huyện, thành phố của tỉnh bạn.

“Tay cầm tay samaki”

Trong chuỗi hành trình dằng dặc của Đội K51 luôn có sự đồng hành, hỗ trợ đắc lực từ Tiểu khu Quân sự tỉnh Mondulkiri. Mỗi mùa khô, đơn vị này cử từ 12 – 15 người sát cánh cùng Đội, vừa bảo đảm an ninh, vừa dẫn đường, phiên dịch.

Trung úy Đích Tép là một trong những người gắn bó lâu năm và được Đội dành nhiều yêu thương, quý trọng. Anh thành thạo đường rừng như bước về phum, sóc của mình. Người đàn ông với vẻ ngoài ốm yếu này có khả năng ghi nhớ tốt những địa điểm đã qua và luôn xác định đúng phương hướng, cắt đường rừng chuẩn xác để cùng mọi người về điểm đích an toàn, nhanh chóng. 

 
Gần 20 năm Đội K51 khi tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn đều được chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Mondulkiri sẵn lòng hỗ trợ để cán bộ, chiến sĩ đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
 
Thượng tá rần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh

Kỷ niệm về người bạn trên đất khách đối với Đội K51 nhiều vô kể. Thượng tá Bùi Quang Thành, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk, nguyên Đội trưởng Đội K51 vẫn nhớ: năm 2010, nhận được tin có người bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, Đội liền khẩn trương điều xe đến cứu giúp mới nhận ra nạn nhân là Đích Tép. Đội chở anh về thành phố Senmônôrum cấp cứu, cả đội quyên góp và trích quỹ hỗ trợ. Ít hôm sau, mặc dù bệnh còn nặng nhưng gia đình anh đã đưa về, mời thầy đến cúng theo phong tục tập quán. Lo lắng sức khỏe Đích Tép, Đội K51 lần nữa thuyết phục, vận động gia đình đưa về thành phố điều trị và tiếp tục cho cán bộ quân y chăm sóc sau khi anh đã cơ bản phục hồi sức khỏe…

Ơn nghĩa lần hồi sinh ấy khiến Trung úy Đích Tép và thân nhân càng trân quý bộ đội Việt Nam hơn. Không chỉ xem bộ đội K51 như người nhà, luôn trân trọng mời dự những sự kiện quan trọng của gia đình, Trung úy Đích Tép còn sẵn sàng vượt qua khó khăn, kề vai sát cánh cùng Đội trên những chặng đường làm nhiệm vụ đầy gian nan, thử thách.

Đoàn đại biểu chính quyền tỉnh Mondulkiri dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Đoàn đại biểu chính quyền tỉnh Mondulkiri dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Cùng chung chí hướng, có nhiều người hào hiệp, trách nhiệm trong lực lượng bảo vệ của bạn luôn sẵn sàng cùng Đội trên mọi chặng đường gian khó. Đó là Trung úy Chăn Rươn, người trẻ nhất trong tổ với vẻ dáng vóc to khỏe, hiền lành. Mỗi lần cùng Đội xuống phum, sóc nắm tin, anh luôn hỏi ngọn ngành chi tiết để xâu chuỗi, xử lý nguồn tin một cách hiệu quả. Đó là Đại úy Sran Cruôch, gốc người M’nông, luôn tận tình với công việc chung, từ tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ đến hoạt động thể thao, tăng gia sản xuất. Không chỉ thông thạo mọi địa hình, anh còn có khả năng nói lưu loát tiếng Việt, tiếng Khmer và nhiều ngôn ngữ khác. Lợi thế ấy kịp thời kết nối Đội K51 với nhiều nguồn tin giá trị ở nhiều địa phương.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Đau đáu niềm ước nguyện

Quỳnh Anh


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.